Liệu bạn có dám bỏ ngang lớp 10, để thi lại vào đúng ngôi trường mình thích? Liệu bạn có dám bỏ ngang ngót 3 năm đại học để săn học bổng nhằm học lại đúng ngành mình mơ ước?
“Bỏ ngang” là hành động Tăng Hồ Hồng Diễm, sinh viên Khoa Thiết kế Đại học RMIT đã quyết thực hiện để sống trọn với đam mê. Hiện tại, Diễm đã dành được học bổng toàn Phần của Đại học RMIT, đồng thời đắc cử vị trí Chủ tịch Hội Sinh viên nhiệm kỳ 2014. Nhắc lại câu chuyện “bỏ ngang” để vào đại học muộn ở tuổi 25, cô lại không chút lộ vẻ hối hận. Trái lại, cô đã chứng minh điều đối lập: Sống bằng đam mê sẽ không bao giờ khiến bạn phải hối tiếc!
Vầng trán cao rộng, Diễm lộ vẻ thông minh cứng cỏi ngay từ lần đầu tiếp xúc. Khi cần tự định nghĩa bản thân, cô đáp đanh gọn “Đam mê”. Quả thực, sau khi kết thúc phỏng vấn, tôi vẫn tự hỏi,”Đam mê là tính cách cô sinh sẵn có? Hay 25 năm trải nghiệm đã tôi luyện cho cô món ấy?”. Vì ở cô gái thông minh này, thoạt nhìn rất lý trí, nhưng lại định đoạt mọi ngã rẽ cuộc đời mình bằng con tim, hay cô gọi đó là “trực giác”.
“Mình đã sống với đam mê năm 15 tuổi. Khi ấy, mình thi rớt kỳ xét tuyển ở THPT chuyên Lê Hồng Phong (LHP) nên đành học một trường khác”, Diễm hồi tưởng. “Nhưng, mỗi khi đi ngang ngôi trường này, trực giác lại kiên quyết nhắc mình phải thi lại”, đó là khởi đầu của một năm sống theo đam mê từ trực giác, “Giấu gia đình, mình lén tự ôn thi và đỗ vào LHP vào năm kế tiếp”. Thế là đam mê ấy đã khiến cô học trễ một năm, nhưng bù lại cho cô tận ba món quà từ mái trường LHP: tình yêu với bóng rổ, thành tích học tập xuất sắc và một nhóm 10 người bạn thân thiết luôn bên cô đến tận giờ.
Đam mê thứ hai đến khi Diễm đang theo học Đại học Kinh tế TP HCM. “Học kinh tế nhưng tâm mình chỉ hướng vào nghệ thuật. Mỗi khi xem phim, mình luôn thử đặt mình vào vị trí của đạo diễn để nghĩ cách cải thiện các thiếu sót. Cứ nhiều lần tự phân tích như thế, mình dần mê làm phim. Điện ảnh Việt Nam hiện đang rất phát triển, nhưng lại khiến người xem trở nên bi quan do chạy theo xu hướng câu khách hời hợt. Mình vì thế mà khao khát xây dựng một cộng đồng làm phim mới để giúp người xem thêm vui vẻ và tin yêu vào cuộc sống”.
Giấc mơ này lớn hơn gấp nhiều lần so với giấc mơ LHP. Với LHP là một năm, thì đam mê này ngốn hai năm. Trong hai năm dài, cô đã gò mình theo sát kế hoạch để săn học bổng thiết kế của Đại học RMIT. Thành tích học tập xuất sắc ở LHP gặt hái từ đam mê thứ nhất là bệ đỡ, nhưng chưa đủ. Cô còn phải tìm kiếm tham gia vào đủ loại dự án làm phim, xã hội, quản lý ban nhạc…
“Sao Diễm không đóng tiền vào học RMIT trực tiếp như bao bạn khác?”, tôi cắt ngang một “lối tắt” khi Diễm đang liệt kê cuộc hành trình thấm mồ hôi trước khi đạt học bổng.
“Đó là đam mê sao?”, Diễm lắc đầu. “Hai năm đó, thứ nhất, là thời gian mình tự thử thách để nghiệm lại đây là đam mê hay ham muốn nhất thời? Nếu đó chỉ là cách trốn tránh hiện thực chán nản khi học kinh tế thì mình sẽ không đủ lực đeo đuổi đến cùng. Thứ hai, quyết định từ bỏ ba năm đại học đã hoang phí tiền của gia đình. Ở tuổi này, mình đáng ra phải đi làm để chăm lo cho mẹ, nhưng mình chỉ mới nhận ra đam mê thực sự và phải học lại từ đầu. Do vậy, mình đã tự học và làm thêm để ít nhất có thể tự nuôi bản thân. Cuối cùng, mình muốn chứng minh cho mọi người thấy khả năng tự lực theo đuổi giấc mơ này bằng cách giành học bổng”.
“Vậy nếu Diễm rớt tiếp học bổng này? Bạn sẽ làm gì tiếp theo?”, tôi hỏi dồn. Diễm cười với ánh mắt ánh lửa, “Mình sẽ nộp đơn tiếp vào năm sau. Rồi lại nộp đơn. Nộp tiếp cho đến khi giành được học bổng mới thôi”.
Cô đạt học bổng ngay trong lần nộp đơn đầu tiên, năm 2013. Tôi thở phào nhẹ nhõm rồi lại tự cười mình cho cái “lối tắt” tự đề ra ở trên. Với những kẻ sống bằng đam mê, “lối tắt” nhẹ nhàng chính là giết chết đam mê của họ.
Sau khi giành được học bổng, bản năng “đam mê” trong Diễm lại tái tạo ra một đam mê khác: kết nối sinh viên để gầy dựng môi trường học tập vững mạnh tại RMIT. Vào đầu nay, đam mê ấy đã thu về cho Diễm 850 phiếu, số phiếu tín nhiệm cao nhất từ trước tới nay cho vị trí chủ tịch hội đồng sinh viên RMIT. Kết quả đó cũng không nằm ngoài dự đoán. Vì chỉ riêng với cô gái mạnh mẽ 25 tuổi này, các sinh viên mới đủ đồng cảm bởi định hướng của đam mê tốt đẹp. Họ còn tin rằng, chỉ Tăng Hồ Hồng Diễm mới đủ bản lĩnh để truyền lửa cho mọi người vượt mọi thử thách của đam mê ấy.
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân aViệt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Thế Sơn