TV màn hình mỏng ngày càng được chuộng nhờ các yếu tố mỏng, nhẹ, không choán nhiều không gian. Đặc biệt là chất lượng hình ảnh vượt trội so với TV dùng bóng đèn hình. Hiện phổ biến có TV Plasma và LCD. Vấn đề là nên chọn loại nào.
Ưu khuyết điểm
Một mẫu TV Plasma. Ảnh: Jesus. |
Xét về chất lượng hình ảnh, công chúng thường khó phân biệt được sự khác nhau giữa hai công nghệ này. Nói chung, ưu điểm màn hình Plasma là có tốc độ hiển thị hình ảnh nhanh hơn so với màn hình LCD. Điều này được cảm nhận rõ nét nhất đối với các pha phim hành động: Người xem sẽ thấy các động tác đánh đấm trên màn hình Plasma điêu luyện hơn. Nhưng ngược lại, TV Plasma lại cần một hệ thống thông gió tạo ra tiếng ồn khó chịu, một bất lợi mà TV LCD không gặp phải.
Các bài liên quan |
*Quy trình sản xuất TV plasma |
*Phân biệt hai loại TV mỏng |
*Ngợp giữa 'dòng' TV |
Plasma có các điểm tự phát sáng nên độ tương phản (contrast), độ sáng (brightness) cao và có góc nhìn rộng. Tốc độ đáp ứng sự thay đổi của hình ảnh, ánh sáng nhanh nhưng khá nặng và tiêu thụ năng lượng cao. kích thước từ 42 inch trở xuống, giá TV Plasma cao hơn LCD. Nhưng ở kích thước từ 42 inch trở lên thì giá hai loại gần bằng nhau.
Với LCD, các điểm được chiếu sáng từ sau nên độ tương phản và độ sáng thấp, tạo nên góc nhìn hẹp hơn Plasma và tốc độ chậm nên hình chuyển động nhanh bị nhoè. Nếu so cùng kích thước, LCD nhẹ hơn Plasma và ít hao điện hơn.
Mặt khác, công nghệ Plasma được đánh giá là chịu đựng tốt hơn những tác động của yếu tố thời gian, và lão hoá đồng bộ hơn, tức màn hình Plasma sẽ thọ và đẹp lão hơn màn hình LCD. Tuy nhiên trong thực tế, đại bộ phận người tiêu dùng thường không chú ý đến những được-mất về mặt kỹ thuật, chủ yếu họ chỉ quan tâm đến hai yếu tố thực dụng khác: Kích thước màn hình và giá cả.
Nên mua loại màn hình nhỏ hay lớn
TV lớn hay nhỏ còn tùy thuộc vào kích thước căn phòng. Ảnh: Cnet. |
Với một chiếc TV màn hình quá nhỏ, bạn có thể sẽ thất vọng vì không cảm thụ được tối đa chi tiết những cảnh quay hoành tráng. Nhưng nếu màn hình của bạn quá lớn thì những khuyết tật của hình ảnh từ nguồn phát (chất lượng đĩa, chất lượng hình ảnh thu từ anten, từ đài phát) cũng lộ rõ hơn. Vậy nên cần chú ý đến diện tích của căn phòng nơi bạn đặt TV. Ý kiến chuyên môn đề nghị: Khoảng cách từ người xem đến TV tối thiểu phải bằng gấp 3 lần độ dài đường chéo của màn hình. Ví dụ, khi xem một màn hình 42 inch, bạn phải ngồi cách xa ít nhất là 3m2, vì ở khoảng cách xem phù hợp bạn có thể thấy rõ các chi tiết mà không bị các khuyết tật của hình ảnh gây khó chịu.
LCD đang chiếm ưu thế
TV LCD có ưu thế hơn về giá cả. Ảnh: Sharp. |
Trên thị trường, TV LCD đang lấn lướt Plasma nhờ giá rẻ, công nghệ hiển thị hình ảnh được cải tiến nhiều và mức độ bề thế không kém gì TV màn hình Plasma. Với TV LCD, mỗi hãng đều quảng bá một công nghệ riêng khác nhau và xem đó như là một ưu thế cạnh tranh. Chẳng hạn Panasonic quảng bá công nghệ hệ thống vượt tốc ở dòng TV Viera nhằm làm giảm độ nhoè hình, Toshiba nhấn mạnh đến công nghệ mới của mình với bộ não chuyên nghiệp, LG có công nghệ XD-Engine, Samsung với DNIe Mỗi công nghệ nói trên đều tạo ra một số khác biệt về chất lượng hình ảnh, âm thanh. Nhưng nhìn chung, khi chọn mua TV LCD, người tiêu dùng nên chú ý đến những điểm sau:
Góc nhìn: Gần đây, góc nhìn của một số model LCD đã đạt gần tới hạn. Có loại có góc nhìn lên tới 178 độ. Góc nhìn càng lớn thì càng giúp cho người xem có thể xem rõ hình ảnh trên màn hình khi ngồi ở những góc rộng tương ứng.
Thời gian đáp ứng: Thời gian đáp ứng càng nhanh thì hình ảnh càng sắc nét, không bị nhoè. Loại TV LCD có thời gian đáp ứng phổ biến hiện nay là 8 ms.
Theo viện nghiên cứu GFK (Growth from Knowledge) có trụ sở tại Đức, hiện TV sử dụng bóng đèn hình chỉ còn chiếm phân nửa tổng số lượng TV được bán ra, phân nửa còn lại được chia cho 2 loại: TV màn hình LCD (40%) và TV màn hình Plasma (10%). Đáng chú ý là số lượng TV cao cấp này được bán ra cao nhất vào thời điểm cuối năm và loại màn hình 32 inch đã thắng lớn trong năm nay. |
Độ phân giải: Trên những dòng TV LCD mới, độ phân giải của hình ảnh tăng lên rất nhiều... Độ phân giải càng cao thì hình ảnh càng mịn, rõ nét, trung thực. Tuy nhiên, điều này còn lệ thuộc vào tín hiệu từ nguồn phát mà TV thu nhận được. Do vậy, nếu dùng TV có độ phân giải cao để thu tín hiệu của truyền hình số, truyền hình analog hiện được phát từ các đài truyền hình thì chất lượng hình ảnh cũng không khác nhiều so với TV thường vì chất lượng ảnh nguồn có độ phân giải không cao. Chỉ có một số cải thiện nhờ vào công nghệ sửa lỗi như tự động điều chỉnh độ sáng tối, màu sắc ở một số loại TV LCD.
Độ tương phản: Tính năng này càng cao thì càng giúp hình ảnh thể hiện được nhiều sắc độ và màu sắc gần giống với thực hơn. Hiện đa số TV LCD có độ tương phản từ 4000:1 đến 5000:1, thậm chí cao hơn.
Sau khi lướt qua những thông số quan trọng nói trên, cũng cần chú ý đến những tính năng, công nghệ khác mà một chiếc TV LCD có thể có. Đó là khả năng kết nối được mở rộng tới đâu để giúp người sử dụng không chỉ kết nối TV với các thiết bị audio video thông dụng, mà còn có thể dùng kết nối với máy tính và những thiết bị kỹ thuật số khác như camera, camcorder, thiết bị chơi game...
(Theo SGTT)