Căn cứ Điều 3 Quyết định 130/2003/QĐ-TTg, hành vi hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất cứ hình thức nào đều bị nghiêm cấm.
Pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể hành vi nào bị coi là hủy hoại tiền nhưng căn cứ quy định trên thì có thể hiểu mọi hành vi tác động lên đồng tiền Việt Nam như cắt, xé, đốt, vò nát, tẩy xóa tiền,..... dẫn đến hư hỏng không thể lưu thông thì đều bị coi là hành vi cố ý hủy hoại tiền.
Do vậy, nếu hành vi chôn tiền dưới nền gạch dẫn đến đồng tiền bị hư hỏng không thể lưu thông vẫn có thể bị coi là hành vi hủy hoại tiền.
Theo khoản 3 Điều 31 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019, nhà chức trách sẽ phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật.
Trường hợp hủy hoại tiền của người khác thì có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Tuy nhiên có một thực tiễn là theo phong tục, vẫn có nhiều trường hợp đồng tiền không được đưa vào lưu thông mà được sử dụng vào mục đích tín ngưỡng, phong thủy như trường hợp để 3 tờ tiền dưới nền rồi ốp lát gạch nói trên hoặc để tiền vào quan tài người đã chết...
Những trường hợp này, người có hành vi "chôn tiền" không nhằm mục đích cố ý hủy hoại tiền nên việc xử lý hành chính thường không đặt ra.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội