Chỉ sau một mili giây, thông tin về người đàn ông 70 tuổi, tiền sử bệnh tim lập tức được tự động truyền tới máy chủ của bệnh viện gần nhà thông qua chiếc vòng theo dõi sức khỏe ông vẫn đeo trên tay. Tín hiệu khẩn cấp được tự động gửi đi từ trung tâm. Chiếc xe cấp cứu gần nhất, cách ông 1km, đã có mặt tại nhà sau đúng 60 giây.
Từ giờ phút đó, thông tin và hình ảnh 360° của bệnh nhân được truyền liên tục về bệnh viện để bác sỹ theo dõi sát thời gian thực. Ngay trên đường di chuyển, phác đồ điều trị chuẩn đã được trí tuệ nhân tạo hoàn thành dựa vào hồ sơ bệnh lý. Xe cấp cứu chạy hết tốc độ cho phép và không hề dừng lại dọc đường, vì tất cả đèn giao thông đã được chuyển về xanh, cũng như tất cả các xe lưu thông trong phạm vi 500m đã tự động nhường đường ngay khi nhận được tín hiệu ưu tiên. Và nếu có gã say nào đó liều mạng vượt đèn đỏ, thì cũng vô hại. Xe của hắn sẽ chỉ di chuyển thêm không quá 5cm ngay sau tín hiệu về nguy cơ va chạm được kích hoạt.
Đây không phải là tình huống trong bộ phim viễn tưởng nào của Holywood, mà là kịch bản mà Vodafone - hãng viễn thông của Anh mới xây dựng và đang thử nghiệm trong quy mô nhỏ. Tôi đã hình dung ông Smith nào đó ở Anh bằng một cụ ông sống ở Hà Nội bởi thực tế đó không còn quá xa xôi. Câu chuyện như giả tưởng này đã trở thành hiện thực ở một số thí nghiệm diện hẹp, và sẽ mau chóng trở nên phổ cập nhờ sự phát triển của mạng 5G - công nghệ tiên tiến nhất ngành viễn thông mà Việt Nam đang muốn trở thành quốc gia "đi đầu" trong triển khai.
Mạng di động thế hệ thứ năm - 5G - được cho rằng sẽ thay đổi thế giới nhờ công nghệ sóng milimet với tần số siêu cao thay vì sóng vô tuyến dài như 4G. 5G có tốc độ mạng gấp khoảng 20 lần, tải những tập tin hàng gigabyte chỉ trong vài giây so với vài phút như 4G, tối thiểu hóa độ trễ của thời gian thực nên đặc biệt giúp thúc đẩy phát triển y tế, truyền thông, phương tiện tự lái, các đô thị thông minh... Không chỉ mang lại cuộc sống tiện nghi hơn, bản thân 5G cũng là một thành tố kinh tế đầy triển vọng. Đến năm 2030, công nghệ này sẽ tạo ra giá trị gia tăng đến 12.300 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới.
Nhưng mọi chiếc áo đều có mặt trái. 5G cũng dẫn tới sự bùng nổ dữ liệu và thách thức bảo mật rất cao vì cấu trúc của nó khó bảo vệ hơn các mạng di động tiền nhiệm. Cuộc giải cứu thần tốc cụ ông chỉ có thể xảy ra khi có 5G nhờ tốc độ kết nối gần như không có độ trễ giữa hàng tỷ thiết bị. Nhưng cũng hàng tỷ thiết bị thông minh này, sẽ tạo ra thảm họa cho hàng triệu người theo chiều ngược lại nếu không được quản trị hoàn hảo, nếu quyền quản trị hệ thống có thể bị chiếm đoạt.
Từng tư vấn cho hai tập đoàn viễn thông lớn nhất Việt Nam trong hơn 10 năm qua, tôi hiểu sự khó khăn của nhà mạng trong việc lựa chọn nhà cung cấp 5G. Đâu là sự ưu tiên trong lựa chọn, giữa Huawei, Nokia, Ericsson... để tận dụng lợi ích vượt trội của thế hệ 5G và cũng ngăn ngừa tối đa những thảm kịch có thể phát sinh của nó? Câu hỏi này vô cùng quan trọng không chỉ với tương lai của từng nhà mạng mà còn với từng con người trong một thị trường 96 triệu dân đang tăng trưởng phấn khích.
Trong mọi dự án đầu tư của doanh nghiệp, các chỉ tiêu tài chính như thu nhập, lợi nhuận, vốn đầu tư, tốc độ quay vòng vốn, đòn bẩy tài chính... luôn là ưu tiên hàng đầu. Điều này càng quan trọng hơn, khi ngành viễn thông luôn có tốc độ phát triển chóng mặt, đòi hỏi vốn đầu tư khổng lồ, nhưng vòng đời công nghệ lại ngày càng ngắn.
Sự lựa chọn công nghệ, hoặc nhà cung cấp sai lầm có thể gây phá sản cả một doanh nghiệp, như bài học với Aircel - hãng viễn thông hàng đầu Ấn Độ năm 2018, là một ví dụ. Dù được đầu tư bài bản bởi một tập đoàn lớn và đã từng có gần 100 triệu thuê bao, nhưng hạ tầng kỹ thuật đời cũ đã khiến họ biến mất khi cuộc chiến hạ giá xảy ra khốc liệt.
Đó là lý do tôi, trong vai một người dùng, đang kỳ vọng các nhà mạng Việt Nam cân nhắc kỹ hơn để đưa ra những quyết định đúng đắn, để lựa chọn nhà cung cấp 5G đủ tin cậy, đủ tường minh. Nhà cung cấp đó phải đủ uy tín và đủ nhân văn để chứng minh rằng, thông tin mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp, và cả xã hội được bảo toàn, không có cửa hậu mở sẵn cho những tin tặc đeo mặt nạ đen, và không bị điều khiển bởi bất kỳ ai có thái độ thù địch.
Thực ra, mối liên hệ trực tiếp giữa an ninh quốc gia và nhà cung cấp 5G cũng đang là quan ngại ở nhiều quốc gia, không riêng gì Việt Nam. Đã có nhiều quốc gia gạch bỏ hoặc có ý định gạch bỏ tên một vài nhà cung cấp hạ tầng 5G cụ thể ra khỏi danh sách nhà thầu - vì lo ngại về an ninh.
Từ xa xưa, cha ông ta đã có bài học cảnh giác qua chuyện tình buồn của Mỵ Châu - Trọng Thủy. Không ai có thể lường được kịch bản xấu xảy ra như thế nào nếu có thêm một Mỵ Nương trong chiếc áo lông ngỗng 5G. Nhưng có thể khẳng định, hậu quả nếu có sẽ còn khủng khiếp gấp ngàn lần so với những chiếc lông ngỗng nàng Mỵ Châu từng rải.
Khi các mạng lựa chọn nhà cung cấp, cũng là lúc hàng chục triệu người dùng Việt Nam đang sẵn sàng lựa chọn lại nhà mạng, để đảm bảo tính an toàn và riêng tư trong thời đại 5G. Chính sách chuyển mạng giữ số mới được ban hành càng làm quyền lựa chọn của người dùng di động thêm phần sức mạnh, và tức thì chỉ sau một nút bấm. Vế còn lại, chọn nhà cung cấp mạng 5G nào đủ an toàn đang trong tay những người điều hành nhà mạng.
Ngô Trọng Thanh