Độc giả: Đình Tứ
Chuyên gia tư vấn:
Thực tế, trong lý thuyết về kiến trúc không tồn tại khái niệm hay phân biệt mái Nhật và mái Thái. Đây là tên gọi được nhiều người sử dụng để chỉ hai kiểu mái dốc, có nguồn gốc từ quốc gia khai sinh ra chúng. Mỗi loại đều có những đặc điểm, thế mạnh và hạn chế riêng. Cụ thể:
Mái Nhật
Nhà mái Nhật (còn gọi là mái lùn) bắt nguồn từ Nhật Bản và du nhập vào Việt Nam trong những năm gần đây. Mái có độ dốc nhẹ, mở rộng ra theo các hướng khác nhau và thiết kế chồng lớp.
Mái Nhật được chia thành hai loại cơ bản là ngói dốc và ngói bằng bê tông. Trong đó, mái ngói dốc gồm các mái nhỏ, lớn xếp chồng lớp lên nhau, như các đường lượn sóng. Còn mái ngói bằng có thiết kế đổ rộng và dài ra bốn góc.
Về phương pháp thi công, mái Nhật nên chọn độ dốc từ 30 - 35 cm. Các đường bò khi lợp phải thẳng, không cong, võng để tạo nên một thể liền khối. Ngói cần lợp đều tay để đảm bảo độ phẳng.
Ưu điểm của mái Nhật là cho phép gia chủ dễ lựa chọn các kiểu và chất liệu khác nhau, cũng như mở rộng hình dáng của chúng. Loại mái này có thể kết hợp với đa dạng phong cách kiến trúc, từ cổ điển, tân cổ điển đến hiện đại. Khi du nhập sang Việt Nam, mái Nhật thường được điều chỉnh về độ dốc nhưng vẫn đảm bảo khả năng thoát nước mưa, phù hợp với khí hậu nóng ẩm mưa nhiều đặc trưng.
Mái Nhật có một vài hạn chế như không phù hợp với công trình có thiết kế cầu kỳ, chi phí xây dựng thường cao hơn so với mái tôn hay mái bê tông cốt thép.
Mái Thái
Mái Thái là kiểu mái dốc, gồm các ngói sóng lớn nhỏ xếp chồng lên nhau, có nguồn gốc từ Thái Lan. Loại mái này được sử dụng phổ biến ở các công trình nhà cấp 4 hay từ 2-4 tầng, dễ kết hợp với nhiều phong cách từ cổ điển đến hiện đại.
Khi thi công nhà mái Thái, gia chủ có thể tham khảo độ dốc khoảng 30 độ, chiều xuôi mái ngói tối đa 10 m. Nếu chọn độ dốc 45 độ thì độ xuôi nên từ 10-15 m. Phương pháp lợp cần theo thứ tự từ phải sang trái và từ dưới lên trên, chú ý khoảng cách vừa đủ giữa các ngói, sau đó vệ sinh sạch sẽ và sơn để mái đảm bảo độ bền.
Ưu điểm của nhà mái Thái là độ dốc cao nên khi trời mưa sẽ nhanh thoát nước, không bị ứ đọng gây thấm dột vào tường. Bên cạnh đó là tính năng tản nhiệt, giúp chống lại nắng nóng trong mùa hè. Về hạn chế, do đặc điểm mái lợp chồng lên nhau nên gia chủ cần chú ý gia cố lại sau một thời gian sử dụng, để tránh ảnh hưởng đến chất lượng trần. Bên cạnh đó, mái Thái cũng đòi hỏi chi phí thi công tương đối cao.
Khác biệt lớn nhất của mái Nhật, Thái nằm ở độ dốc và chóp mái. Cụ thể, nhà mái Thái đó độ dốc lớn hơn, đi kèm đỉnh chóp nhọn, còn mái Nhật sẽ không có yếu tố này.
Trong trường hợp yêu cầu của bạn, hai loại mái kể trên đều có độ vươn giúp tránh mưa hắt và che nắng, tương đối phù hợp với thời tiết miền Bắc. Vì vậy, bạn có thể chọn theo sở thích, nhưng lưu ý cân bằng giữa các yếu tố như vị trí của ô đất, kiến trúc tổng thể và phong cách của ngôi nhà để có phương án tốt nhất. Bạn nên chọn mái Nhật nếu muốn sở hữu một không gian sống thân thiện, hòa mình vào thiên nhiên. Còn mái Thái sẽ hợp với ngôi nhà thiết kế cầu kỳ hơn, đề cao ngôn ngữ hình khối.
KTS Tạ Xuân Phong
Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn kiến trúc và xây dựng Việt Á