Phong trào chơi phim 3D xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2010, sau khi bộ phim Avatar làm mưa gió trên thị trường. Tại Sài Gòn thời gian đó, các quán cafe phim 3D xem máy chiếu với màn chiếu 100 đến 150 inch rất phát triển. Phong trào này vẫn phát triển tới nay, tuy nhiên, xu hướng đã lan tới các hộ gia đình có điều kiện.
Anh Long ở quận Bình Thạnh cho hay, từ khi có công nghệ 3D, anh rất thích xem phim, tuy nhiên, với TV 3D xem không đã. "Sau khi tìm hiểu tôi quyết định mua máy chiếu kết hợp màn chiếu để xem phim 3 chiều như ở rạp", anh nói. Anh đã đầu tư khoảng 20 triệu để mua máy chiếu Optoma 67.
Một phòng chiếu phim tại gia ở Sài Gòn dùng màn chiếu và máy chiếu xem 3D. Ảnh: Kiên Cường. |
Hiện tại, công nghệ máy chiếu 3D có hai lựa chọn: công nghệ trập động (shutter) dùng một máy chiếu và phân cực (polarizel) dùng 2 máy chiếu.
Với công nghệ shutter, người dùng chỉ cần một máy chiếu để chiếu lên màn chiếu bất kỳ, xem bằng kính 3D shutter đi kèm giá khá cao. Hiệu ứng 3D mà nó mang lại được đánh giá là tạm chấp nhận đến khá tốt.
Công nghệ phân cực là giải pháp của những người chơi HD mày mò ra. Dân chơi dùng 2 máy chiếu có kính lọc đặt trước, dùng màn chiếu bạc (khoảng 2.000 đến 3.000 USD cho loại nhập từ nước ngoài). Hai máy chiếu thường, không hỗ trợ 3D, được đặt song song và chiếu song song làm nguồn phát 3D. Người chơi sẽ cân chỉnh để chiếu lên màn chiếu sao cho ra hình ảnh 3 chiều. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được mà phải có người am hiểu kỹ thuật này chỉnh giúp. Đây là giải pháp của những người mê công nghệ tự mày mò, chứ không phải giải pháp 3D của các nhà sản xuất đưa ra. Ngoài ra, khi người chơi cần xem 2D, vẫn có thể tắt một máy và xem một máy rất chuẩn.
Kính dùng cho phân cực đơn giản, tích hợp nhiều máy, giá rẻ chừng 200.000 đồng một cái. Trong phân cực cũng chia ra 2 trường phái: circular, linear. Hiệu ứng 3D của công nghệ này được dân chơi đánh giá tốt, nhều quán cà phê 3D ở Sài Gòn cũng lựa chọn công nghệ này vì xem phim lâu không gây mỏi mắt và giá thành kính rẻ.
Máy chiếu thường dùng của công nghệ phân cực là Vivitek D950 - 1.500 USD mỗi máy, hay BenQ W1000 - 1.500 USD một máy.
Hai máy chiếu kết hợp của 3D phân cực. Ảnh: Kiên Cường. |
Theo các chuyên gia 3D, tùy theo nhu cầu và mục đích sử dụng, người dùng nên chọn cho mình công nghệ 3D thích hợp.
Anh Trần Việt Anh, admin diễn đàn HD Việt Nam, cho rằng, hiện nay đa số người chơi 3D gia đình trong nước chủ yếu chọn công nghệ shutter, nguyên do là chi phí máy chiếu, màn chiếu hiện giờ cũng dễ chấp nhận. Trong khi đó, 3D phân cực đòi hỏi người chơi có kinh nghiệm, hiểu kỹ thuật và tự mày mò nhiều hơn.
Theo anh Đỗ Hoàng Phúc, Giám đốc Công ty 3D Việt Nam, đơn vị setup cho nhiều quán cà phê phim 3D, công nghệ 3D phân cực phù hợp với phòng xem lớn, phù hợp với nhiều người xem, thường là từ 5 người trở lên. Tuy nhiên, anh cũng cho rằng xu hướng chơi máy chiếu 3D ở TP HCM sẽ nghiêng về công nghệ phân cực do "trường phái" này cho hiệu ứng 3D khá tốt.
Về chi phí, chơi máy chiếu 3D là khá tốn kém. Công nghệ trập động cần 1.200 USD cho máy chiếu, 400 USD cho màn 150 inch. Nếu gia đình có 4 người, cần 4 kính khoảng 320 USD. Công nghệ phân cực cần 2 máy chiếu, mỗi máy tầm 1.500 USD, màn chiếu bạc tự chế khoảng 900 USD, 2 kính lọc phân cực (150 USD mỗt cái), kính đeo chỉ khoảng 180.000 đồng một cái. Cả hai công nghệ đều chưa tính chi phí khác như: dây HDMI, giá treo máy chiếu...
Kiên Cường