Ông Đông đã gần 60 tuổi và là một dân chơi điện thoại cổ lâu năm ở quận 3 (TP HCM). Ông bắt đầu tiếp xúc với chiếc điện thoại bàn cổ đầu tiên từ năm 2008. "Tôi luôn nghĩ, con người khôn ngoan luôn sống hết mình trong hiện tại, nhưng cũng không thể không nhìn về quá khứ. Hoài niệm về thuở hàn vi hay những sự kiện, hình ảnh xưa cũ cho tôi thêm cảm xúc... Đây cũng chính là điều khiến tôi gắn bó với những thiết bị có tuổi đời cả trăm năm. Chúng chính là hiện vật chứng kiến mọi biến cố trong một gia đình và xã hội", ông tâm sự.
So với điện thoại di động, điện thoại bàn có lịch sử lâu đời hơn rất nhiều, từ trước năm 1900. Khi mới ra đời, chúng đều có đặc trưng là ống nói và ống nghe tách rời nhau và có kích thước lớn, cũng chưa hề có vòng quay số mà thay vào đó là tay quay thô sơ... Những bộ phận này được hoàn thiện dần theo thời gian. Và nhiều mẫu thời trang cũng xuất hiện, như điện thoại thiết kế như sừng hươu, được thiết kế để treo tường, hình dáng cột đứng... Những loại này được dân chơi săn lùng nhiều nhất.
Việc sưu tập điện thoại cổ, theo ông Đông, đơn giản nhưng không dễ. Đơn giản ở chỗ số lượng người chơi đang dần tăng lên, từ đó có thể dễ dàng giao lưu trao đổi. Còn khó khăn là lượng "cầu" nhiều nên người chơi cần phải am hiểu, kiên trì và may mắn mới tìm được một sản phẩm ưng ý. Ông Đông kể, chơi loại này phải không ngại bẩn, nhiều cái người ta vứt ở bãi rác, sình lầy, lọt vào mắt mình cũng phải ngó xem là loại gì. "Vào năm 2010, tôi từng đi ngang qua một người lượm ve chai và vô tình phát hiện chiếc điện thoại lấm lem bùn đất nằm trong đống phế liệu. Tôi đã mua lại với giá 100.000 đồng và mang về lau sạch, sửa chữa. Thật bất ngờ, đây là chiếc điện thoại hiếm có từ những năm 1930", ông kể lại.
Theo anh Lân, một người chơi có nick name Pin ở quận Bình Tân (TP HCM), việc chơi điện thoại bàn cổ cũng rất khác so với chơi máy ảnh hay điện thoại cổ. Do kích thước của nó khá lớn, khó vận chuyển, hầu hết người chơi chỉ giao lưu theo từng khu vực nhất định. Người chơi cũng có nhiều phong cách khác nhau, có người sưu tập thành bộ, có người chỉ mua duy nhất một "món" và bảo quản như "báu vật".
Anh kể, nhiều người mua điện thoại cổ về là lắp dùng luôn, bởi đơn giản là họ chỉ thích nghe tiếng chuông "reng reng" quen thuộc thủa thơ bé. Có người lại mua về trưng ở phòng làm việc, phòng khách vì thiết kế độc, lạ của nó…
Người chơi điện thoại cổ trong nước thường chuộng các mẫu ra đời từ những năm 1850 tới 1900, thời điểm điện thoại bàn thế hệ đầu tiên ra đời. Những mẫu này chỉ có dạng ống nghe thô sơ và phần lớn phải mua lại từ các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản với giá khá cao, tới vài chục triệu đồng. Còn các mẫu sản xuất sau năm 1940 chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng. Thị trường cũng có nhiều người bán điện thoại cổ có xuất xứ từ Trung Quốc, giá rẻ hơn, nhưng theo anh Phương, một dân buôn lâu năm ở quận Phú Nhuận, phần lớn đây là hàng nhái, thiết kế cổ nhưng bên trong là công nghệ mới. Người chơi ít kinh nghiệm thường khó phân biệt được.
Hầu hết các mẫu điện thoại bàn cổ đều có khả năng kết nối để gọi điện như điện thoại cố định, trừ những mẫu quá cũ. Tuy vậy, chúng cần phải được kết nối với bộ chuyển đổi vì có một số khác biệt về kỹ thuật truyền tín hiệu giữa các mẫu cổ và mới.
Người chơi cũng không cần bảo quản quá kỹ càng vì đặc đặc điểm của dòng điện thoại này là sự bền bỉ, chỉ cần để nơi khô ráo, thường xuyên lau bụi bám bên ngoài và bên trong là được.
Việc sửa chữa tuy không quá khó nhưng lại cần đến thợ am hiểu về điện thoại cũ mà những người này giờ chỉ "đếm trên đầu ngón tay".
Bảo Lâm