Chủ nhật, 9/2/2025
Thứ hai, 3/2/2025, 06:00 (GMT+7)

Chợ YouTube vùng cao

Tuyên QuangChợ trung tâm thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình áp dụng thanh toán không tiền mặt từ năm 2022, tập trung hàng chục YouTuber vừa bán hàng vừa livestream.

Phiên chợ chính họp vào thứ 7 hàng tuần, tập trung hàng trăm người đến buôn bán với khoảng 40 hộ dựng máy quay. Các ngày trong tuần, chợ này có khoảng chục chân máy, mỗi người một góc, quay cảnh bán hàng, trao đổi nông sản và chia sẻ lên YouTube, kiếm thêm thu nhập từ quảng cáo.

Một người đàn ông ở xã Xuân Lập (đang quay phim) cùng con gái đến chợ bán su hào nhà trồng. Với giá 10.000 đồng một kg, rẻ hơn mặt bằng chung khiến sạp hàng đông khách mua.

Trước khi bán, người đàn ông này yêu cầu khách phải xếp hàng, tránh chen lấn để có thể quay lại những thước phim đẹp, đủ góc gần, xa.

Chưa đầy 10 phút, thúng su hào đã được cô bé 10 tuổi bán hết.

Quầy bán cơm lam, bánh da lợn của chị Huyền (áo caro xanh lá) ở thị trấn Lăng Can cũng tấp nập người mua.

Đứng cách chị Huyền chừng một mét, người ghi hình dựng chân máy để quay lại toàn bộ cảnh người phụ nữ này buôn bán.

Người phụ nữ 41 tuổi nói trước đây chỉ bán nông sản, nhưng thấy nhiều gia đình "phất lên" nhờ YouTube nên làm theo từ 2023. Đồ mang ra chợ bán đều là rau củ thu hoạch ở vườn hoặc bánh, kẹo tự làm.

Tiểu thương này cho biết từ khi có nguồn thu nhập phụ nhờ làm YouTuber, chị cũng bán đồ giá rẻ hơn cho người dân quanh vùng.

Một người quay phim cho biết ngoài việc đặt sạp hàng ở nơi khách mua dễ thấy, lên hình đẹp, điều tối kỵ là không được quay dính cảnh của các kênh khác, tránh bị "đánh" bản quyền.

Vợ chồng Làn Thị Phượng địu con trai đi hơn 30 km từ bản Khau Cau, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình ra chợ trung tâm thị trấn Lăng Can bán gừng. Người phụ nữ 22 tuổi nói tháng đôi lần mang nông sản ra chợ, bởi phụ thuộc thời gian thu hoạch.

Thu nhập của vợ chồng Phượng trước đây đều dựa vào làm nông. Nhưng từ khi "nghề YouTube" phát triển, cả hai cũng mang máy ra chợ quay phim. Họ gom tiền mua máy ảnh, chân máy quay để có thước phim đẹp.

"Ngày trước ra chợ chỉ mong nhanh hết hàng để về. Còn nay lại mong có thêm nhiều cảnh quay đẹp để về dựng, hy vọng video hút triệu view", chủ kênh với 50.000 người theo dõi nói.

Tuần vài lần Trúc Thị Lai (áo hồng) ở thôn Khau Quang, xã Lăng Can cùng con gái và em trai mang 10 kg khoai lang, rau củ nhà trồng ra chợ bán.

Cô gái 25 tuổi từng làm công nhân tại các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng. Nhưng hơn một năm nay về quê buôn bán nông sản và quay YouTube.

Lai kể trước đi làm công ty mỗi tháng được 9-10 triệu đồng nhưng phải xa chồng con. Nhưng từ ngày ra chợ bán hàng và làm YouTube, thu nhập có tháng được vài chục triệu đồng.

Tiền bán nông sản Lai dùng cho chi phí sinh hoạt hàng ngày. Thu nhập từ quảng cáo trên YouTube cô đầu tư mua máy quay, cho các con đi học và chăm sóc bố mẹ những lúc đau ốm.

Tiểu thương Hoàng Thị Tích (đầu quấn khăn xanh lá) ở thôn Nà Khà, xã Lăng Can kể trước đây chợ chỉ tập trung người mua bán truyền thống. Từ cuối năm 2023 đến nay có đông người trẻ đến chợ bán hàng và quay hình. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10 máy quay chuyên nghiệp. Riêng phiên chợ chính, số lượng máy quay gấp 3-4 lần, nhiều lúc YouTuber đông hơn khách mua.

Ban đầu người phụ nữ 59 tuổi thấy máy quay là trốn. Nhưng giờ thành quen, không ít lần bà trở thành diễn viên bất đắc dĩ. Mỗi khi mua hàng đều nhắc người bán bấm máy quay luôn để đủ cảnh về dựng.

"Biết các cháu quay hình vất vả nên tôi cũng muốn giúp", bà Tích nói. Bà cũng cho biết từ ngày chợ được nhiều người đến quay hình, đông khách tò mò tìm đến khiến sức mua tăng, hàng bán nhanh hết hơn.

Ngoài chợ ở trung tâm thị trấn Lăng Can, nhiều chợ truyền thống tại các xã trên địa bàn huyện Lâm Bình cũng thu hút người đến buôn bán và ghi hình.

Tại chợ truyền thống của xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình mỗi ngày có 2-3 máy quay. Ngoài người quay cảnh buôn bán, một số cũng lấy bối cảnh tại chợ để đóng phim ngắn.

Chị Bàn Thị Chạn, người dân ở bản Phiêng Mơ, xã Phúc Yên, cho biết từ ngày nghề YouTuber ở xã phát triển, cảnh người mua bán, ghi hình khắp các lối cũng khiến chợ đông vui, tấp nập hơn.

Đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lâm Bình cho biết bên cạnh mô hình chợ 4.0 ở trung tâm thị trấn, các chợ truyền thống khác trên địa bàn huyện đều có đông tiểu thương làm YouTuber.

"Ngoài nhu cầu buôn bán, các video tại phiên chợ cũng giới thiệu nét văn hóa, nông sản của địa phương đến với người xem", vị đại diện cho biết.

Chợ Youtuber vùng cao
 
 

Hàng chục Youtuber tập trung về chợ trung tâm thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình để bán hàng, quay video. Nguồn: Người miền núi

Quỳnh Nguyễn - Nga Thanh