Chiều 14/12, một ngày trước khi diễn ra trận chung kết AFF Suzuki Cup, Liên đoàn bóng đá Việt Nam cung cấp vé cho một số người cuối cùng mua online thành công. Phía bên ngoài, hơn 50 người cầm trên tay ít nhất 1-2 cặp vé đứng tràn xuống chiếm đường Lê Quang Đạo để rao bán.
Có ôtô dừng lại, họ tiếp cận chào bán. Khi người mua nghi ngờ về chất lượng vé những người này chứng minh bằng cách lấy điện thoại di động hướng dẫn kiểm tra bằng mã vạch.
Trong khi đó, cảnh sát liên tục dùng loa nhắc nhở nhóm người này không được gây cản trở giao thông.
Vé khán đài B với giá gốc là 800.000 đồng một cặp hôm nay có nguồn cung dồi dào và được mời chào 11-12 triệu đồng tùy vị trí. "Món hàng" được nhiều người hỏi mua nhất là vé mời, vé VIP tại khán đài A được rao bán với giá 14 triệu đồng.
Một phụ nữ chừng 50 tuổi vừa sang tay cặp vé khán đài C với giá 7 triệu đồng, mặt đỏ phừng cho biết tình hình khan vé chỉ diễn ra trong ngày 13/11 do buổi đầu phát vé. "Hôm nay ai ở đây cũng có vé để bán, nhiều người còn đi gom vé chờ lúc giá lên đỉnh mới bung ra. Tôi bị huyết áp, đứng lâu choáng nên không dám gom nhiều, chỉ lấy đến đâu bán đến đó", bà nói.
Khung cảnh trước trụ sở Liên đoàn bóng đá Việt Nam giống như họp chợ, người mua kẻ bán tập nập. Nếu không đáp ứng được ví trí chỗ ngồi khách yêu cầu, người bán sẽ đi hỏi "đồng nghiệp" và bán lại để hưởng chênh lệch.
Người bán dự đoán giá vé đến trước 11h ngày mai sẽ lên theo từng giờ vì nhu cầu lớn. "Tuy nhiên, càng gần trận đấu giá lại càng giảm. Tại trận bán kết hôm 6/12, trước trận đấu nhiều người hỏi vé xong thấy giá cao thì sẵn sàng xem ở màn hình lớn đối diện sân".
Đến 21h ngày 14/12, không khí mua bán tại khu vực này vẫn rất nhộn nhịp, nhiều người đặt cơm hoặc ăn tạm bánh mỳ rồi nhanh chóng ra đường chèo kéo. Thấy một ôtô chở ba người đàn ông dừng trước cổng Liên đoàn bóng đá Việt Nam, 5 người bán lập tức tiếp cận. Khi khách nói mua một cặp vé khán đài B với giá khoảng 10-11 triệu. Một người bán rút từ túi áo ngực ra cặp vé, nói giá 12 triệu. Sau 5 phút, hai bên thỏa thuận giá 11,5 triệu đồng nhưng tài xế không đưa tiền mặt mà chuyển khoản qua ngân hàng.
"Bây giờ những người có tiền họ mới đi làm về, chúng tôi bán được nhiều hơn. Bán vé kiểu này tôi chỉ lãi được 500.000 đồng vì giá gốc đã cao. Tôi nghĩ đây hoạt động thuận mua vừa bán không có gì vi phạm pháp luật cả", một người bán nói.
Các nhóm bán vé online có hàng nghìn thành viên cũng hoạt động nhộn nhịp. Một vài tài khoản rao vé khán đài C, D giá 5-7 triệu đồng trong khi giá gốc chỉ 200.000 và 350.000 đồng. Nhiều tài khoản đăng bán vé khán đài A, B, vé mời, vé VIP khán đài A. Các tài khoản đăng ảnh chụp cả mã Q-code ở vé để khách hàng kiểm tra.
Một người rao cặp vé khán đài B với giá 9 triệu đồng nhưng khi được hỏi đã trả lời vừa bán với giá 11 triệu.
Vé cao nhất là khán đài A, gần khu ghế VIP, được rao giá 15 triệu đồng/cặp. Người bán này cho hay: "Đây là vé người thân của mình được tặng nhờ rao hộ. Bạn quét mã thoải mái, đảm bảo chuẩn" Sau khi hẹn địa điểm xe vé, người này nhắc "nếu không chốt sớm, mình không chắc giữ vé cho bạn đâu".
Sân Mỹ Đình có sức chứa 40.000 chỗ ngồi. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thông tin đã bán 10.300 vé online cho người hâm mộ Việt Nam; 3.200 vé cho cổ động viên Malaysia và 240 vé ưu tiên thương binh. Số còn lại thuộc về đối tác tài trợ VFF, nhà tài trợ đội tuyển, nhà tài trợ sự kiện... Ngoài ra, một phần vé dành cho các cầu thủ, câu lạc bộ đóng góp cầu thủ vào đội tuyển quốc gia và những cổ động viên theo sát đội tuyển Việt Nam trong thời gian qua.
Trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia sẽ diễn ra vào lúc 19h30 trên sân vận động Mỹ Đình.
Theo luật sư Trần Tuấn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội, vé bóng đá là loại hàng hóa hợp pháp. Việc mua đi bán lại, gom vé bán kiếm lời được coi như giao dịch dân sự, giá cả các bên tự thỏa thuận.