Chuyện là khi đang khám thì cán bộ xã đến mời chúng tôi vào bản thăm giúp một bệnh nhân nặng, đang nằm chờ chết, xem có cứu được không.
Chúng tôi lên xe vào bản. Trên đường, cán bộ xã tranh thủ chia sẻ về người bệnh: 80 tuổi, dân tộc Thái. Hai tuần trước chân ông đau rồi tím đen dần, bệnh viện tuyến trên xác định bị viêm tắc động mạch, hoại tử, phải mổ cắt chân, cần có thêm chi phí. Gia đình toàn người già và yếu, không có tiền đóng nên xin về.
Ngôi nhà sàn bằng gỗ còn chắc chắn nhưng nhếch nhác. Trong nhà tối om, tôi vấp phải chai gì đó, nước đổ ra hăng hắc tinh dầu sả. Mùi tinh dầu sả trộn lẫn với mùi khăn khẳn bốc lên, cả không gian ngộp thở.
Người bệnh nằm ở góc nhà sàn, mở mắt nhìn chúng tôi, nói gì không rõ. Lật tấm chăn lên, tôi thấy cái chân phải đang hoại tử đen từ bàn chân lên đến giữa đùi, phía dưới thịt hoại tử chảy nước phải bọc vào một túi nilon.
Mấy người già nói tiếng dân tộc chúng tôi không hiểu, cán bộ xã dịch lại cho biết: về nhà, gia đình không biết làm gì, chỉ hàng ngày nấu cháo cho người bệnh. Mà từ bốn ngày nay không ăn được nữa. Cái chân thối dần thì cũng chỉ biết mua tinh dầu sả về rắc cho át đi. Cán bộ xã thương lắm nhưng không biết giúp thế nào, gặp đoàn chúng tôi liền cầu cứu.
Lãnh đạo đoàn quyết ngay, nếu gia đình đồng ý sẽ cho xe đưa đến bệnh viện để cứu chữa, chi phí bệnh viện lo. Chúng tôi hội ý với nhau là ca này suy kiệt, nhiễm trùng nhiễm độc nặng lắm rồi, cần phải hồi sức và mổ ngay, nhưng nguy cơ tử vong rất cao. Thôi thì còn nước còn tát.
Sau khi cán bộ xã phiên dịch xong, mắt người nhà lộ vẻ ái ngại rồi bảo để nghĩ đã. Chúng tôi đành tặng ít tiền thăm hỏi rồi ra về. Sáng hôm sau xã cho biết ông đã yếu lắm rồi nên gia đình không đưa đi nữa. Khi tôi viết những dòng này thì bệnh nhân đã mất. Thế là cũng xong một kiếp người, lặng lẽ chấp nhận số phận, không kêu than.
Cách đây khá lâu tôi từng kể về một trường hợp bệnh nặng nhưng hết tiền nên gia đình xin về chờ chết. Có bạn đọc phản ứng, bảo, sao không dùng bảo hiểm y tế, sao không kêu gọi từ thiện... Nói thật, các bạn đó quá thiếu thực tế, chỉ thấy chỗ nọ chỗ kia có những ca hiểm nghèo rồi được những tấm lòng vàng cứu sống... Những chuyện đó có, nhưng không phải đa số.
Từ khi về làm ở y tế cơ sở, tôi mới hiểu đầy đủ cảnh vật lộn để sinh tồn của người dân đau yếu. Các hỗ trợ của xã hội là có, nhưng chưa đủ, chưa kịp thời, và nhất là chưa đúng nơi đúng chỗ.
Làm ở tuyến cơ sở mới thấy đa số người dân chỉ lên đến bệnh viện hạng ba, tức tuyến huyện, một số ít lên đến tuyến tỉnh, khỏi được thì tốt, không khỏi cũng quay về. Lên tuyến trung ương thường phải là gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, hoặc còn trẻ, có thể vay mượn được. Nhiều người già bệnh chọn cách về nhà, chờ trời gọi chứ không đi tiếp.
Tôi hoàn toàn hiểu các đồng nghiệp của mình ở trong tình trạng lực bất tòng tâm. Chúng tôi ở tuyến dưới, nhiều khi phải nhìn bệnh nhân ra về, vì muốn giúp cũng không có nguồn lực. Thỉnh thoảng chỉ giúp được một hai ca đặc biệt, còn làm thành đại trà thì lấy đâu ra tiền. Vấn đề nằm ở chỗ phải xác lập được nguồn chi trả bền vững và cơ chế chi trả hợp lý.
Bảo hiểm y tế đang thực hiện tốt vai trò hỗ trợ người dân trong khám chữa bệnh, nhưng vì nhiều lý do mà mức hỗ trợ này chưa đủ. Nguồn gốc là do mức thu quá thấp nên không đủ để chi theo yêu cầu thực tế.
Để so sánh, chi bình quân cho y tế của các nước phát triển là khoảng 10% GDP, và GDP của các nước đó khoảng 30.000 USD/người/năm, tức là chi cho y tế khoảng từ 3.000 USD/người/năm. Trong khi đó ở Việt Nam năm 2022 tỷ lệ phủ BHYT là khoảng 90%, tổng thu BHYT năm 2022 khoảng 110.000 tỷ đồng (4,58 tỷ USD). Với tổng dân số Việt Nam năm 2022 là 98 triệu, ta có khoảng 50 USD cho mỗi đầu người dân. Số tiền BHYT này hoàn toàn chi cho công tác khám chữa bệnh. Ngân sách nhà nước còn chi gần 100 USD đầu người cho y tế dự phòng và những công việc khác của ngành.
Nguồn quỹ như vậy là không thể nào đủ cho nhu cầu khám chữa bệnh. Để bảo toàn quỹ, BHYT bắt buộc phải thực hiện nhiều động tác kỹ thuật để khống chế chi. BHYT chỉ đáp ứng được khoảng 60% chi phí khám chữa bệnh, còn lại 40% là người bệnh tự chi trả. Những ai không lo được cái khoản 40% kia thì lặng lẽ về nhà phó mặc cho số phận.
Gần đây Bộ Y tế có chủ trương để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh thì ngoài BHYT, người dân nên mua các gói bảo hiểm sức khỏe tự nguyện theo hình thức kinh doanh, để hỗ trợ thêm. Tuy nhiên do là kinh doanh nên các hãng bảo hiểm có những điều kiện loại trừ rất gắt gao, gần như không bán bảo hiểm sức khỏe cho người già, người có bệnh mạn tính, hoặc có bán thì mức phí rất cao.
Trở lại ca bệnh thương tâm mà tôi chứng kiến ở trên thì thấy, người dân tộc thiểu số ở vùng núi cao đã có BHYT do ngân sách nhà nước mua cho, nhưng chỉ mình BHYT là không đủ, bảo hiểm thương mại thì chắc chắn không ai bán, gia đình cũng không vay mượn được ai.
Trong khi chờ đợi những thay đổi lớn về cơ chế chi trả của các loại hình bảo hiểm từ các cấp quản lý, tôi đề xuất một giải pháp cụ thể, có thể thực thi được ngay. Đó là theo Nghị định 146/2018 Hướng dẫn thi hành luật BHYT sửa đổi thì có điều khoản BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh và không giới hạn trần thanh toán, nhưng đối tượng được hưởng khá hẹp. Có thể mở rộng điều khoản này thêm đối tượng đặc biệt khó khăn, tương tự với những trường hợp như câu chuyện tôi kể ở trên. Để không bị lạm dụng, cần quy định cấp nào có thẩm quyền phê duyệt từng ca bệnh khó khăn này.
Như vậy mới hy vọng những điều đau lòng như trên không còn xảy ra nữa.
Quan Thế Dân