Luật sư Lê Vĩnh Thụy (Công ty Luật Sen Vàng), anh Lê sai lầm khi cho vay tiền ảo nhưng không "thu luôn tiền thật" nên giờ rất khó khăn trong việc đòi nợ.
Pháp luật Việt Nam chưa có quy định về tiền ảo. Bộ luật Dân sự quy định, tài sản là "vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản". Tài sản bao gồm bất động sản hoặc động sản, còn tiền ảo không thuộc một trong 2 dạng này nên "không được coi là tài sản".
Luật Ngân hàng Nhà nước quy định, tiền của nước ta bằng giấy hoặc kim loại với đơn vị là "đồng". Chỉ tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành mới được dùng hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 1 Nghị định 80/2016 quy định, phương tiện thanh toán bao gồm séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng hoặc phương tiện khác do Ngân hàng Nhà nước quy định. Tiền ảo hoặc phương tiện khác nếu dùng để thanh toán là "không hợp pháp".
Điều 26 Nghị định 88/2019 quy định phạt tiền 50-100 triệu đồng với hành vi: "Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự".
Như vậy, tiền ảo không được nước ta công nhận, không được dùng để thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam nên các giao dịch liên quan tiền ảo sẽ là "vô hiệu" theo Bộ Luật Dân sự.
Nếu anh Lê kiện bạn mình, tòa án sẽ tuyên bố việc cho vay giữa 2 người vô hiệu, hậu quả việc này phụ thuộc lỗi của các bên nhưng "khả năng cao" là các bên sẽ phải "trả lại cho nhau những gì đã nhận".
Khi đó, người bạn sẽ trả anh Lê số tiền ảo đã vay, không phải thanh toán tiền thật. Luật sư khuyên anh Lê nên chấp nhận lấy lại số tiền ảo.
Song Minh