Số liệu này được Bộ Xây dựng thông tin hôm 12/1 trong báo cáo về thị trường nhà ở và bất động sản cả năm 2023.
Bộ Xây dựng dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết dự nợ cho vay với hoạt động kinh doanh bất động sản (tập trung vào cho vay chủ đầu tư dự án, hướng tới nguồn cung ra thị trường) đến hết tháng 11/2023 đạt khoảng 1,022 triệu tỷ đồng. Như vậy, so với đầu năm 2023, dư nợ tín dụng cho vay bất động sản tăng khoảng 25%.
Mức tăng trưởng trên cũng phần nào cho thấy quan hệ giữa các chủ đầu tư và ngân hàng đã cải thiện trong năm qua sau khi huy động vốn từ thị trường trái phiếu gần như đóng băng. Nhiều doanh nghiệp khó khăn trước bối cảnh đầu ra kém, tồn kho cao và phải xoay xở, thu xếp tài chính để duy trì hoạt động kinh doanh, cũng như trả nợ cho trái chủ. Năm 2022, dư nợ cho vay với kinh doanh bất động sản chỉ tăng trưởng hơn 14%.
Trong báo cáo gần đây, Vietcombank Securities (VCBS) nhận định hoạt động phát hành trái phiếu bắt đầu nối lại từ quý III/2023 nhưng vẫn hạn chế. "Nguồn vốn tín dụng được đẩy mạnh huy động trong bối cảnh mặt bằng lãi suất hạ nhiệt và các ngân hàng tích cực đẩy mạnh cho vay", VCBS cho hay.
Còn theo Bộ Xây dựng, trong quý cuối năm ngoái, cơ quan quản lý cũng đã quyết tâm, nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế. Nhiều nhà băng tiếp tục giảm lãi suất huy động, đồng thời lãi suất cho vay mua nhà của một số ngân hàng cũng đã thấp hơn năm 2022.
Dù vậy, cho vay tiêu dùng bất động sản cuối quý III/2023 giảm so với đầu năm. Theo dữ liệu của VCBS, dư nợ cho vay mua nhà toàn hệ thống tại cuối tháng 9 giảm hơn 1% so với đầu năm.
FiinGroup cho rằng với tình hình kinh tế khó khăn, việc làm chưa ổn định nên lúc này vay mua nhà chưa phải quyết định ưu tiên của người dân. Đồng thời, nhà đầu tư cũng có tâm lý thận trọng hơn sau giai đoạn thị trường biến động, cần thời gian củng cố niềm tin.
Anh Tú