Sau 2 tháng rưỡi triển khai gói hỗ trợ cho vay mua nhà ở trị giá 30.000 tỷ, Ngân hàng Nhà nước cho hay có hơn 200 khách hàng cá nhân đã được giải ngân với dư nợ gần 49 tỷ đồng. Trong khi đó, số khách hàng doanh nghiệp được xác nhận cho vay hàng trăm tỷ đồng nhưng mới một trường hợp được giải ngân hơn 34 tỷ (tại Huế).
Cả Bộ Xây dựng lẫn Ngân hàng Nhà nước đều cho rằng nguyên nhân chính khiến tiến độ giải ngân chậm trễ là nguồn cung cho nhà ở trung bình và xã hội quá ít. "Tiền đã sẵn sàng nhưng hàng thì chưa có", ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước ví von về việc thiếu nguồn cung nhà ở cho gói tín dụng này.
Tồn kho bất động sản theo Bộ Xây dựng khoảng 27.805 căn, nhưng chủ yếu ở phân khúc cao cấp và hạng sang. Ông Nguyễn Trọng Ninh - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng giải thích: "Phân khúc nhà ở trung bình và nhà xã hội số lượng không đáng kể. Riêng với nhà xã hội, việc đầu tư xây dựng của doanh nghiệp là hoàn toàn tự nguyện, họ cảm thấy có lợi. Hơn nữa, khi bán lợi nhuận tối đa họ được hưởng chỉ là 10% nên số lượng không nhiều".
Trong khi đó, việc xem xét chuyển đổi công năng từ nhà thương mại sang nhà xã hội cũng chậm trễ. Theo đại diện Bộ Xây dựng, Bộ chỉ có vai trò tham mưu còn UBND cấp tỉnh, thành mới là những đơn vị chấp thuận việc chuyển đổi công năng. "Các địa phương đang tích cực xem xét rồi, như Hà Nội đã đề xuất 26 dự án", ông Ninh thông tin thêm.
Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa đề xuất mở rộng đối tượng vay vốn trong gói 30.000 tỷ cũng như kéo dài thời hạn vay từ 10 lên 15 năm. Bình luận về đề xuất này, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho rằng thực tế một số ngân hàng đã cho phép vay tới 15 năm. "Việc này sẽ phụ thuộc vào khả năng tài chính của khác, có thể là 10, 15 năm thậm chí là 7 năm nếu khách hàng mong muốn", ông Mạnh giải thích.
Về đối tượng, điều kiện vay vốn, ông Mạnh cho biết cơ quan quản lý sẽ căn cứ vào quy định của các bộ ngành để xem xét có cho vay không. Một lần nữa, Ngân hàng Nhà nước cam kết sẽ đảm bảo giải ngân bất cứ lúc nào và trách nhiệm của các ngân hàng là xem xét khả năng đáp ứng điều kiện trả nợ của khách hàng. Phần còn lại, đối tượng và điều kiện vay sẽ do Bộ Xây dựng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định không có chuyện vì áp lực tăng trưởng tín dụng cuối năm mà giải ngân gói 30.000 tỷ sai địa chỉ, sai quy định. "Gói 30.000 tỷ nhằm vào đối tượng thực sự có nhu cầu về nhà ở, theo các quy định của Bộ Xây dựng nhưng lại được hỗ trợ về mặt lãi suất của Nhà nước nên càng phải minh bạch về đối tượng. Nhiều đối tượng có nhu cầu vay nhưng không được giải ngân vì không đúng quy định", ông Mạnh cam kết.
Theo phản ánh của một số người dân, trước khi ký hợp đồng tín dụng phải có hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở, dẫn đến rủi ro nếu không được vay vốn từ ngân hàng. Về việc này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, nếu khách hàng chưa có hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà thì ngân hàng có thể xem xét thẩm định và xác nhận khi khách hàng ký hợp đồng xong với chủ đầu tư.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, nếu khách hàng chưa có nhà nhưng đã có đất (đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) với diện tích ở bằng hoặc lớn hơn tiêu chuẩn tối thiểu thì không thuộc đối tượng được vay.
Thanh Thanh Lan