Ghi nhận của VnExpress tại chợ Xóm Mới (Gò Vấp) sáng 28/6, ban quản lý nhanh chóng rào 5 lối đi xung quanh chợ. Trong đó, lực lượng chức năng túc trực, nhắc nhở người dân không được chạy xe vào chợ và chỉ cho người đi bộ vào để hạn chế tập trung đông người.
Song song đó, lực lượng chức năng tăng cường giám sát tại cổng chính để đo thân nhiệt người dân ra vào chợ. Mỗi đợt vào chợ, lực lượng chức năng chỉ cho 5 người vào để hạn chế tụ tập.
Lãnh đạo chợ Xóm Mới cho biết, từ khi giăng dây lượng khách ra vào chợ giảm tới 1/10. Ngoài đo thân nhiệt, người dân vào chợ cũng phải khai báo y tế để sàng lọc đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh. "Chúng tôi phải chia nhỏ các nhóm khách hàng, họ sẽ vào chợ bằng 1 lối và ra bằng 1 lối khác", lãnh đạo chợ xóm mới chia sẻ.
Ngoài chợ Xóm Mới, theo Phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp, 6 chợ tại quận này hiện cũng triển khai phương án đo thân nhiệt, giăng dây hạn chế người ra vào chợ. "Hầu hết đều cho giăng dây để giữ khoảng cách giữa người bán và người mua. Lực lượng chức năng tại các chợ túc trực thường xuyên để kiểm soát hàng hóa và người ra vào chợ", ông nói.
Tương tự, các quận khác ở TP HCM cũng đều thực hiện việc giãn cách tại các chợ. Ghi nhận ở chợ Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận), Bà Chiểu (Bình Thạnh) sáng 28/6... lực lượng chức năng đã rào chắn các con đường nhỏ thông vào chợ. Người dân khi vào chợ sẽ được đo thân nhiệt, khai báo y tế bên ngoài chốt.
Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo Sở Công Thương TP HCM cho biết, mặc dù hoạt động kinh doanh tại các chợ có chậm lại và giảm mạnh. Tuy nhiên, để kiểm soát tốt dịch bệnh Sở khuyến khích các chợ đồng loạt triển khai biện pháp phòng dịch trên. Vác chợ cũng đã thực hiện rất tích cực từ 2 ngày qua.
"Các chợ phải thông báo cụ thể thông tin hàng hóa, lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm hoạt động và khu vực tổ chức kinh doanh để khách hàng, người dân được biết", lãnh đạo Sở Công Thương nói và cho hay, hầu hết chợ đều phải phong tỏa các cửa phụ, lối đi phụ để phân luồng lối ra, vào và tập trung nhân lực kiểm soát khu vực cửa chính nhằm đảm bảo việc giám sát thương nhân, người lao động, khách ra vào chợ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch.
Song song đó, ban quản lý phải bố trí khu vực giữ xe cho khách hàng đến chợ, triển khai phương án phân luồng, hướng dẫn di chuyển một chiều, điều tiết lượng khách mua hàng tại cùng một thời điểm tùy theo điều kiện không gian, diện tích của chợ. Ngoài ra phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu từ 1,5 mét cho người dân khi thực hiện mua sắm. Chợ và khách đến mua hàng phải tuyệt đối tuân thủ các quy định phòng chống dịch, tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế.
Đối với các chợ có mật độ mua sắm đông, các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, đơn vị quản lý chợ được yêu cầu căn cứ tình hình thực tế, rà soát tổng thể các khu vực bán hàng tại chợ để có phương án điều tiết khu vực kinh doanh phù hợp, đảm bảo thực hiện giảm mật độ mua sắm, giữ khoảng cách an toàn phù hợp.
Sở cũng khuyến khích ban quản lý các chợ tính toán, nghiên cứu thực hiện phương án như phát phiếu vào chợ để hạn chế người vào, tổ chức cho thương nhân kinh doanh theo hình thức luân phiên, xen kẽ phân chia thời điểm, vị trí bán hàng. Hoặc có thể chia theo ngày chẵn, lẻ... trong trường hợp cần thiết, để giảm sự tập trung và đảm bảo việc giãn cách khi kinh doanh, mua sắm.
Hiện ở TP HCM, chợ đầu mối Hóc Môn, chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú), chợ Hoàng Hoa Thám (Tân Bình) phải tạm ngưng hoạt động do phát hiện nhiều ca nhiễm Covid-19.
Sở Công thương TP HCM vừa có văn bản hỏa tốc gửi đến UBND TP Thủ Đức, quận 8 và huyện Hóc Môn, yêu cầu nghiên cứu đề xuất 1-2 vị trí đất trống để có thể chuyển hướng hàng hóa tại chợ đầu mối sang khu vực này trong trường hợp khẩn cấp.
Thi Hà