Đây là kết quả của một nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Stanford (Mỹ) tiến hành với hàng nghìn trẻ em Đan Mạch, những đứa trẻ bắt đầu đi học vỡ lòng từ khi 6 tuổi. Tham gia nghiên cứu có hơn 54 nghìn trẻ 7 tuổi và hơn 35 nghìn trẻ 11 tuổi ở cả hai giới tính. Các nhà khoa học cũng lập bảng hỏi chi tiết với bố mẹ của bọn trẻ. Họ phát hiện nếu trẻ đi học muộn một năm (tức là 7 tuổi mới đến trường), thì khi lên 11 tuổi, sự hiếu động và khả năng mất tập trung sẽ giảm đi 73%.
Cả Thomas Dee, công tác tại Đại học Stanford và Hans Henrik Sievertsen công tác tại Trung tâm Nghiên cứu xã hội quốc gia Đan Mạch đều thống nhất quan điểm: “Đưa trẻ đến trường muộn một năm sẽ giảm đáng kể khả năng hiếu động và thiếu tập trung của trẻ sau này”.
Seivertsen cho rằng những lợi ích của việc nhập học vỡ lòng muộn kéo dài hơn rất nhiều so với mong đợi trước đó của ông. “Trên thực tế, nếu đứa trẻ chờ đợi thêm một năm mới đi học thì khi tới độ tuổi 11, chúng sẽ có khả năng tập trung tốt hơn các bạn cùng trang lứa”.
Nhiều quốc gia phát triển đang xem xét việc lùi độ tuổi đến trường của trẻ trong nền giáo dục chính quy. Nghiên cứu của Đại học Stanford là cuộc khảo sát lớn đầu tiên được thực hiện để đánh giá các tác động về sức khỏe tâm thần có thể xảy ra với trẻ.
Tuy nhiên, các nhà khoa học thừa nhận thiếu tập trung và hiếu động chỉ là hai trong nhiều khía cạnh ảnh hưởng lên sự phát triển của trẻ. Còn rất nhiều yếu tố khác cần được đánh giá, ví dụ, cơ sở vật chất nhà trường.
Hoàng Anh (Theo sciencealert)