Trả lời:
Các loại cá trong đó có cá hồi thuộc nhóm thịt trắng. Nhưng thịt cá hồi có màu vàng cam do sắc tố carotenoid có tên là astaxanthin tạo nên. Astaxanthin có thể là chất tự nhiên hoặc nhân tạo do thức ăn nuôi cá. Cá hồi có giá trị dinh dưỡng cao hơn các loại cá khác, bởi vì nó cung cấp khoảng 20-22 gram protein trong 100 gram cá, tương đương với lượng protein có trong thịt bò, thịt gà. Ngoài ra, cá hồi cung cấp axit amin thiết yếu mà cơ thể không tổng hợp được, nhất là omega3. Trong cá hồi còn có nhiều vitamin A và vitamin D.
Về mặt lý thuyết, khi trẻ đủ 6 tháng tuổi, mẹ có thể cho trẻ tập ăn dặm tất cả thực phẩm. Tuy nhiên, nó còn phụ thuộc nhiều yếu tố như thói quen ăn uống của mẹ, phong tục tập quán, chủng tộc. Nếu mẹ ít hoặc chưa bao giờ ăn cá thì không nên tập ăn cá cho trẻ khi mới ăn dặm, vì bộ máy tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa hoặc bị dị ứng. Do đó, mẹ nên tập cho trẻ ăn cá từ tháng thứ 7.
Cá có nhiều giá trị dinh dưỡng tốt nhưng nếu nuôi trong những môi trường ô nhiễm có thể nhiễm các kim loại nặng như thủy ngân, asen... Nếu ăn cá bị ô nhiễm trong thời gian dài với số lượng nhiều có thể khiến trẻ bị nhiễm các kim loại nặng và khi tích lũy đến một mức độ, có thể gây ra các vấn đề sức khỏe. Vì vậy, mỗi tuần chỉ nên ăn cho trẻ ăn cá 3-4 lần và cần đa dạng với những thực phẩm khác để bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết.
Khi cho trẻ ăn dặm, lượng thịt cá ban đầu tương đương với một thìa nhỏ, sau đó tăng lên hai thìa nhỏ. Với trẻ 8 tháng tuổi, mẹ nấu khoảng 20 gram thịt cá tương đương với 4 thìa nhỏ hoặc hai thìa 5 ml. Trẻ 9-11 tháng có thể ăn 25 gram thịt cá tương ứng với 2,5 thìa 5 ml. Trẻ 12-23 tháng tuổi nên cho ăn 30-35 gram.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Thu Hương
Bác sĩ trưởng hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome