Trong khi một số người quan niệm nên hạn chế mua đồ trong tháng 7 âm lịch để tránh gặp hạn, rước điều xui rủi về nhà, chị Huyền, 45 tuổi, ở Thái Bình cho biết số đồ dùng chị mua trong tháng 7 nhiều hơn các tháng khác trong năm cộng dồn. "Tháng này ít khách mua, nhiều cửa hàng giảm giá để kích cầu, tôi sẽ mua được giá rẻ", chị nói.
Như ba năm trước, chị Huyền mua được chiếc xe máy giá 75 triệu đồng, trong khi các tháng khác trong năm, mẫu xe này đến gần 100 triệu đồng.
Nhưng chưa kịp mừng vì mua được đồ giá rẻ, bạn bè và người thân đã khuyên chị nên làm mâm cúng giải hạn, sợ mua xe trong tháng xấu dễ gặp tai nạn. "Tháng xấu hay đẹp chỉ là quan niệm, hai trong ba chiếc xe của gia đình tôi đều mua trong tháng cô hồn nhưng vẫn chạy tốt, có sao đâu" chị Huyền nói.
Với chị, việc chờ đến tháng 7 "cô hồn" để mua sắm giống như việc người dân ở nhiều nước chờ đến ngày Black Firday. Trong tình cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập giảm, phí sinh hoạt leo thang, việc mỗi món đồ mua được giá rẻ hơn ngày thường từ vài triệu đến cả chục triệu đồng, giúp chị giảm gánh nặng chi tiêu.
Là dân kinh doanh nhưng anh Mạnh Kiên, 50 tuổi, ở Hải Phòng quan niệm tháng 7 âm lịch là mùa Vu Lan báo hiếu chứ không phải tháng "cô hồn" mang đến xui xẻo.
Niềm tin này khiến nhiều năm nay anh Kiên thường xuyên mua nhà, sắm xe vào tháng 7 âm lịch và rất hay được giá tốt. Thậm chí có lần anh mua được mảnh đất rẻ hơn giá thị trường 200-300 triệu đồng. "Là dân kinh doanh quan trọng lãi chứ kiêng kị chỉ là một phần, cứ ăn ở tốt tôi chẳng lo", anh Kiên nói.
Dẫu vậy, chị Tuyết Mai (vợ anh) có phần e ngại bởi nghĩ "có thờ có thiêng có kiêng có lành". Chị nói mỗi lần thấy anh Kiên thực hiện giao dịch mua bán lớn trong tháng "cô hồn" đều đi xem bói, nếu cần sẽ âm thầm làm lễ giải hạn.
Từ ngày đi làm, Đức Duy, 26 tuổi, luôn chọn tháng 7 âm lịch để mua sắm đồ công nghệ hoặc chuyển nhà, mong tiết kiệm thêm một khoản. "Lương hàng tháng của tôi chỉ 10 triệu đồng, muốn mua gì cũng phải tính toán nên có đợt giảm giá thì tội gì không tận dụng", chàng trai 26 tuổi nói.
PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên phó Viện Văn hóa, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, có biết tâm lý kiêng kị hoặc không kiêng kị trong tháng 7 âm lịch đều xuất phát từ niềm tin của mỗi cá nhân nhằm hướng đến sự yên bình trong tư tưởng, tránh áy náy, dù trên thực tế không có ai kiểm chứng điều đó là đúng hay sai.
"Người xưa tránh cưới hỏi trong tháng 7 âm bởi sợ tan vỡ nhưng đây cũng là thời điểm duy nhất trong năm Ngưu lang Chức nữ gặp nhau, là tháng của hạnh phúc. Và không phải mọi cặp đôi cưới trong tháng này đều không hạnh phúc", ông Đức nói.
Giải thích thêm, nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, cho biết tháng 7 âm lịch phổ biến có ba lễ theo quan niệm của Đạo giáo (xá tội vong nhân), Phật giáo (Vu Lan bồn) và Thần sát (Tết Trung nguyên). Các lễ này đều tổ chức vào dịp rằm tháng 7. Về bản chất, đây là những lễ mang tinh thần của sự biết ơn, đoàn tụ nên những kiêng kị đều không có cơ sở.
Ông Lê Quang Vũ, tổng giám đốc chuỗi siêu thị điện máy MediaMart, cho biết số lượng tiêu thụ của nhiều sản phẩm tại hệ thống vào tháng 7 âm lịch hàng năm đều giảm mạnh. Để kích cầu mua sắm, đơn vị phải liên tục đưa ra các chương trình giảm giá, tặng quà, voucher không kèm điều kiện hoặc hỗ trợ mua sắm.
"Sức mua các đồ dùng có giá trị cao thường chậm hơn", ông Vũ nói và thừa nhận có hiện tượng một số khách hàng chủ đích đợi đến tháng 7 âm lịch đến mua đồ bởi giá bán "mềm" hơn.
Ngoài hàng điện tử, nhiều hãng ôtô, xe máy cũng đồng loạt giảm giá nhằm kích cầu. Bà Mai Lê, quản lý một đại lý xe máy tại Hải Phòng cho biết cứ đến tháng 7 âm lịch sức mua của đơn vị giảm ít nhất 20%. Để tránh tình hình kinh doanh "đóng băng", đơn vị liên tục đưa ra các chương trình giảm giá sâu, nhiều sản phẩm có giá bán rẻ hơn cả chục triệu đồng so với niêm yết. Đa phần khách đến mua trong thời gian này đều quan tâm đến các sản phẩm giảm giá.
Đại diện một sàn môi giới bất động sản ở Hà Nội cũng cho biết, thông thường trong tháng 7 âm lịch, số giao dịch giảm tới 70-80%.
Việc giá bán nhiều mặt hàng giảm sâu, PGS. TS Lê Quý Đức cho rằng sẽ giúp người dân được hưởng lợi nếu bản thân không mê tín, nhất là trong giai đoạn thất nghiệp tăng, lương giảm, chi phí sinh hoạt leo thang.
"Dù biết kiêng kị là liệu pháp tinh thần nhưng làm gì cũng không nên thái quá. Nếu cần cứ mua, nếu đồ rẻ mà chất lượng tốt người dân nên cân nhắc dùng, tránh gây khó khăn cho cuộc sống", chuyên gia nói.
Nhưng có những người vẫn không vượt được nỗi sợ của bản thân trong tháng 7 âm lịch. Ngoài việc yêu cầu chồng con phải đi về nhà trước 23h, không phơi quần áo lúc nửa đêm, không được gọi tên khi đến nơi hoang vắng, không cắt tóc, chị Cẩm Ly ở Ninh Bình còn ra quy định không được mua sắm đồ mới, tránh mang vận xấu về nhà. Thậm chí chiếc máy sấy duy nhất của gia đình vừa hỏng, đèn ngủ cháy bóng chị cũng không cho chồng đi mua.
Người phụ nữ 35 tuổi cho rằng thay vì mua mới nên khắc phục, như đầu ướt nên ngồi trước quạt cho khô, đèn ngủ cháy bóng thì tạm thời không dùng đến hết tháng.
"Kinh tế khó khăn, buôn bán thua lỗ, nên tôi không muốn để những điều xui xẻo đeo bám hết năm, lỡ xảy ra điều gì lại áy náy", chị Ly nói.
Quỳnh Nguyễn