Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đề nghị bổ sung nhân viên chuyên sâu chuyên lo đấu thầu, mua sắm; đồng thời khẩn trương ban hành nghị quyết về liên doanh liên kết xã hội hóa y tế. Ông đề nghị chấp nhận hình thức máy mượn máy đặt để sử dụng hóa chất trúng thầu trong y tế. Thời gian vừa qua những vướng mắc trong quy định chi trả bảo hiểm y tế cho bệnh nhân thực hiện các chẩn đoán trên máy mượn máy đặt tại bệnh viện, không thanh toán chi phí dịch vụ này, dẫn đến ảnh hưởng lớn đến bệnh nhân và hiệu quả điều trị của bác sĩ.
"Bác sĩ đi học nghề về mà không có máy móc để làm việc và ứng dụng là bị lụt nghề, dễ bỏ việc để ra y tế tư làm", bác sĩ Thức nói và đề nghị nên tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế; bổ sung công nghệ thông tin trong giá dịch vụ y tế; cải thiện thu nhập phụ cấp cho nhân viên y tế để giữ người.
Tám tháng đầu năm, Bệnh viện Chợ Rẫy có 77 nhân viên y tế nghỉ việc, bằng với con số nghỉ của cả năm 2021. Ông Thức cho biết: "Tuy vậy tỷ lệ nghỉ việc vẫn dưới 2%, theo quản lý nhân sự y tế thì dưới 2% là bình thường. Nguyên nhân nghỉ đa số họ chuyển ra y tế tư, chỉ có một số ít đi xuất cảnh".
Đại diện công đoàn bệnh viện cũng cho biết các y bác sĩ muốn gắn bó với nghề, được tạo điều kiện làm việc tốt với đầy đủ máy móc thiết bị, có cơ hội phát triển nghề nghiệp. Tuy nhiên, hiện nhiều máy móc thiết bị vướng quy định về xã hội hóa, khi bệnh viện khiếu nại chỉ mới giải quyết được khẩn cấp, 80% nhu cầu các khoa chưa giải quyết được. Y tế tư và y tế công vẫn cạnh tranh, dẫn đến "mất người".
Còn tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, nói Chợ Rẫy là tuyến cuối nên thường xuyên nhận khó khăn của các tỉnh. Ví dụ, tất cả tỉnh đều thiếu thuốc men, bệnh nhân dồn về tuyến trên nên gần như Chợ Rẫy đang gánh chịu những khó khăn tuyến dưới. Như dịch sốt xuất huyết đang tăng, 6 tháng đầu năm bệnh viện điều trị 450 ca bệnh nặng, trong khi trước đây chưa bao giờ viện cáng đáng số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết đông như thế, 5 năm trước chỉ 300 ca/năm. Thuốc men, vật tư bệnh viện đã chuẩn bị trước nhưng do bệnh nhân dội lên quá cao dẫn đến thuốc càng thiếu. Các khoa khác của bệnh viện cũng gặp tình trạng này, các bác sĩ cố gắng giải quyết nhưng e ngại quá tải sẽ ảnh hưởng chất lượng điều trị.
"Tôi làm việc 30 năm ở Chợ Rẫy, ai ở đây cũng mong muốn tiếp tục làm việc vì rất tự hào nhưng gần đây có những cái đôi khi cuộc sống phải thay đổi, áp lực nặng quá. Không chỉ tiền lương, môi trường làm việc, như ở Chợ Rẫy rất tốt, mà chính sách, áp lực tâm lý khiến nhiều người ra đi", bác sĩ Hùng nói và chia sẻ "nếu dịch quay trở lại không biết có bao nhiêu nhân viên y tế làm việc".
Chợ Rẫy là bệnh viện hạng đặc biệt, tuyến cuối của cả khu vực miền Nam, đang hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính nhóm hai thuộc Nghị định 60 (tự chủ chi thường xuyên). Bệnh viện cấp cứu trung bình 300 bệnh nhân một ngày, đa số là bệnh nhân nặng chuyển đến từ các nơi. Khoảng 4.500-5.000 bệnh nhân khám một ngày trong đó hơn 48% là khám theo diện bảo hiểm y tế. Trung bình số bệnh nhân điều trị nội trú là 2.300, với số ngày nằm viện mỗi người trung bình là 6,7. Gần 20.000 ca mổ đã được các bác sĩ thực hiện trong nửa năm qua, trong đó mổ cấp cứu hơn 8.000 ca. Tuy vậy, doanh thu 6 tháng đầu năm là 3.134 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.
Chia sẻ về giá dịch vụ y tế, quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói rằng với vai trò nhà quản lý, Chính phủ đứng trên góc độ cả bệnh viện lẫn người dân. "Làm sao tính đúng tính đủ giá cho bệnh viện mà về phía người dân phần chi phí thêm có cách gì giảm đi được không. Đây là hai mặt của một vấn đề, phải làm sao hài hòa lợi ích cả hai phía", bà Lan nói.
Phản hồi quyền Bộ trưởng, bác sĩ Thức nêu quan điểm "tính đúng tính đủ không phải là lạm dụng người bệnh, mà bệnh viện lấy vừa đủ để tồn tại và tích lũy vừa phải để phát triển, chứ không phải tích lũy theo kiểu lạm thu". Với quan điểm này, ông đề nghị giá viện phí phải được rà soát lại, phải có giá trần "chặn trên để bệnh viện không phải muốn tính giá bao nhiêu thì tính".
Ông ví dụ, trong ngành y tế, mua thiết bị giá rẻ tưởng là tiết kiệm nhưng thực chất thiết bị này không đáp ứng yêu cầu điều trị. Phải thiết bị y tế tốt thì hiệu quả điều trị mới tốt cho bệnh nhân, giảm tai biến, giảm nhiễm trùng, giảm nằm viện, xuất viện sớm, về nhà lao động tạo ra của cải xã hội "đôi khi có lợi hơn". Hôm 21/8, trong cuộc họp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, bác sĩ Thức cũng nêu vấn đề bệnh viện mua sắm dao mổ nhưng "rạch ba nhát mới đứt da" để miêu tả tình trạng vật tư y tế giá rẻ kém chất lượng.
Gỡ vướng trong thủ tục mua sắm y tế
Thời gian qua, Bệnh viện Chợ Rẫy gặp nhiều khó khăn trong đấu thầu, mua sắm y tế, dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế điều trị bệnh nhân. Hồi tháng 6, bệnh viện không chỉ thiếu một số loại thuốc hiếm, biệt dược dùng điều trị chuyên sâu mà còn thiếu cả một số loại thuốc phổ biến, giá rẻ, chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu điều trị. Trong khi đó, đây là một trong những bệnh viện đa khoa tuyến cuối lớn nhất cả nước, mỗi ngày có hàng nghìn lượt bệnh nhân từ nhiều tỉnh thành đến khám chữa bệnh.
Mới đây Chợ Rẫy đã gửi 14 kiến nghị đến Bộ Y tế với mong muốn được sớm giải quyết tình trạng thiếu thuốc. Trong cuộc làm việc chiều nay, ông Nguyễn Hoàng Long, Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết đã xem xét những kiến nghị này và có ý kiến xử lý. Đơn cử, Chợ Rẫy đề nghị bổ sung hướng dẫn xây dựng dự toán mua sắm thuốc lấy giá bình quân của năm trước liền kề hoặc bình quân báo giá. Tuy nhiên Bộ Y tế cho rằng đang áp dụng Thông tư 15 quy định cụ thể nguyên tắc đấu thầu, do đó các bên cần thực hiện theo. Đối với đề xuất sử dụng giá trung bình, bệnh viện cần có công văn gửi Vụ và Cục Quản lý Dược, "ý kiến này cần thiết để chúng tôi sửa đổi Thông tư 15", ông Long nói.
Kiến nghị thứ hai của Chợ Rẫy đối với vấn đề này là đưa thuốc hiếm vào danh mục mua sắm tập trung quốc gia hoặc chỉ định thầu rút gọn. Theo ông Long, với mua sắm tập trung quốc gia, quy định hiện nay dành cho mặt hàng được sử dụng nhiều, nhiều đơn vị cùng dùng, số lượng lớn để tiết kiệm giá, chưa xem xét đến thuốc hiếm, chưa đưa vào đấu thầu tập trung quốc gia. Phương án chỉ định thầu đã có một số quy định, điều 22 áp dụng với gói thầu cần triển khai ngay để tránh nguy hại sức khoẻ tính mạng người dân. Nghị định 63 quy định áp dụng chỉ định thầu rút gọn khi nhu cầu thuốc hiếm có phát sinh đột xuất trong trường hợp cấp bách. Ông Long cho biết Thông tư 15 sửa đổi đang hướng dẫn rõ hơn.
Thứ ba, bệnh viện đề xuất không nên yêu cầu phải có đủ 3 báo giá khi đấu thầu mua sắm vật tư trang thiết bị. Vụ Kế hoạch Tài chính phản hồi là Bộ Tài chính đã quy định 5 phương thức, hiện Bộ Y tế sử dụng một trong 5 phương thức này. Nếu theo phương thức báo giá thì phải có đủ 3 báo giá, còn không thì làm theo 4 phương thức còn lại.
Chợ Rẫy cũng đề nghị trong đấu thầu không nên lấy giá thấp nhất mà phải là giá hợp lý nhất. Ông Long ghi nhận đây là thực tế khó khăn cho các cơ sở y tế. Quy định đấu thầu là những đơn vị nào đạt tiêu chuẩn kỹ thuật thì mới vào vòng giá, nhưng trên thực tế thì còn nhiều khó khăn.
Những đề xuất khác của Chợ Rẫy như xác định tình huống khẩn cấp để chỉ định thầu, cho phép bệnh viện hạng một trở lên lựa chọn các thương hiệu trong mua sắm trang thiết bị, tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế... Bộ Y tế ghi nhận và sẽ có hướng dẫn rõ hơn. Riêng về quy định máy mượn máy đặt - là vấn đề Bệnh viện Chợ Rẫy gặp phải do phần lớn máy móc thiết bị y tế dành chẩn đoán bệnh nhân đều thuộc dịch vụ này - ông Long cho hay hiện nay dự thảo nghị quyết trình Chính phủ đề xuất cho phép thanh toán bảo hiểm y tế đối với máy mượn máy đặt.
Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, sau thời kỳ Covid-19 cả nước bây giờ trong giai đoạn hồi phục. Bên cạnh phát triển kinh tế xã hội, ngành y tế, đặc biệt là Bệnh viện Chợ Rẫy đã có bước hồi phục nhanh chóng. Người thụ hưởng nhiều nhất kết quả này là nhân dân đồng bào phía Nam, được tiếp cận công tác khám bệnh, điều trị bệnh lý, tiếp cận điều trị bệnh nhân nặng từ các địa phương.
Ông Sơn cho rằng 4 kiến nghị của Chợ Rẫy nêu trên, sau cuộc họp với Thủ tướng hôm 21/8 đã được giải tỏa phần hết sức quan trọng là giao các bộ ngành như Tài chính, Y tế... tìm cách giải quyết. "Ngành y tế cần khẩn trương xem lại rà soát, hướng dẫn bổ sung các quy định thuộc thẩm quyền trực tiếp của ngành, cố gắng đề xuất để tạo hành lang thông thoáng giải tỏa các khó khăn cho các đơn vị", Thứ trưởng Sơn nói và nhắc đến cơ chế tự chủ bệnh viện "là vấn đề hết sức quan trọng".
Chợ Rẫy là một trong 4 bệnh viện đầu ngành thí điểm tự chủ toàn diện, kế hoạch là tiến hành từ năm 2019. Tuy nhiên, ngay từ đầu, Chợ Rẫy cùng với Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) xin không tiến hành tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 22, mà chỉ tự chủ thanh toán chi phí (theo Nghị định 60). Trong vòng một tuần qua, hai bệnh viện còn lại là Bạch Mai và K lần lượt xin dừng tự chủ toàn diện, chỉ thực hiện theo Nghị định 60, do gặp nhiều khó khăn.
Quyền Bộ trưởng Lan cho biết Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ tháo gỡ các khó khăn trước mắt, cụ thể là vấn đề mua sắm thuốc và trang thiết bị; sửa Nghị định 54 theo hướng giá mua sắm là thời điểm nào sẽ được hướng dẫn sớm; thanh toán chi phí dịch vụ chẩn đoán trên các máy mượn máy đặt; giải quyết nợ thanh toán tồn đọng liên quan bảo hiểm xã hội... Ngành y tế cũng tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính và cải thiện độ hài lòng của người bệnh, xây dựng những thương hiệu bệnh viện công với điều kiện làm việc và thu nhập không thua kém khối bệnh viện tư để giữ chân y bác sĩ.
Lê Phương