Thứ tư, 2/10/2024
Thứ ba, 24/1/2017, 15:21 (GMT+7)

Chợ quê truyền thống Bắc Bộ họp phiên cuối năm

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng gần 30 km, phiên chợ có cái tên dân gian "Nủa" vẫn còn lưu giữ được ít nhiều nét truyền thống của làng quê đồng bắc Bắc Bộ.

Chợ Nủa nằm trên một gò đất rộng lớn thuộc xã Bình Phú (huyện Thạch Thất). Các phiên chợ họp vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch hàng tháng, thường chỉ diễn ra vào buổi sáng, riêng chợ Tết họp thêm phiên chiều.

Phiên chợ sáng 24/1, tức 27 Tết nhộn nhịp khách mua bán.

Chợ chủ yếu bán nông sản, vật nuôi, đồ dùng gia đình như chiếu cói, chổi tre, nón lá, áo quần, tăm đũa tre, bánh rán, kẹo bột, bỏng gạo... Trong phiên cuối cùng của năm, chợ Nủa bán nhiều hàng hóa phục vụ dịp Tết.

Khu bán đồ khô, mùi măng xen lẫn thoang thoảng mùi nấm hương khiến khách hàng cảm nhận không khí Tết ở rất gần.

Anh Tuấn, một người dân địa phương cho biết ngày nay dễ dàng mua được các mặt hàng cần thiết ở hiệu tạp hóa gần nhà, nhưng anh vẫn chọn đến chợ Nủa vì ở đây có "hồn cốt của phiên chợ xứ Đoài".

Xứ Đoài vốn nổi tiếng với nhiều làng nghề mây tre đan nên đồ gia dụng bằng tre là một trong những đặc sản của chợ, gồm quạt, rá, rổ, dần, sàng, nong, nia, đơm...

Gà trống được nhiều người tìm mua dịp trước Tết. Giá gà vào thời điểm này tăng nhẹ so với ngày thưởng, từ 130 đến 150 nghìn đồng/kg.

Một nét đặc trưng không thể thiếu của chợ phiên ngày Tết là các mẹt hàng gia vị (quế, tiêu, hạt dổi...).

Ảnh: Gia Chính

Những buồng cau được lái buôn thu gom ở nhiều xã vùng ven, chờ đến ngày họp chợ mang ra bán. Cau tròn, to, đẹp mã có giá 12 nghìn/quả.

Những sản phẩm có thể không mang lại nhiều giá trị về kinh tế, nhưng việc đi chợ phiên ngày Tết đã thành thói quen của nhiều người dân địa phương.

Ảnh: Gia Chính

Hai dãy nhà bán đồ ăn nhanh, quà vặt như bún, phở, bánh đúc, bánh cuốn, chè... 

Gian hàng bán giày dép đông khách.

Người dân trong vùng hay đọc câu “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì chợ Nủa”, ý nói chợ Nủa đã nổi danh khắp xứ Đoài xưa.

Ngọc Thành