Chủ của Kajtuś lập tức nhận ra giá trị của phát hiện và thông báo cho chi nhánh ở Wałbrzych của cơ quan bảo vệ di sản vùng Hạ Silesia. Cơ quan này đã phái một đội ngũ bao gồm các nhà khảo cổ đến từ Đại học Wrocław, để tìm hiểu. Họ kết luận phát hiện về những đồng xu thế kỷ 13 này là phát hiện lớn trong vòng hơn 100 năm.
Bracteate là loại đồng xu mỏng chỉ có một mặt từng được sử dụng ở phía bắc châu Âu, đặc biệt là Đức, Hungary và Ba Lan. Đồng xu được đựng trong một bình đất nung đã hư hỏng. Các chuyên gia nhận định chúng có niên đại vào nửa đầu thế kỷ 13 và được đúc ở Saxony (phía đông nước Đức) hoặc Silesia (khu vực bao gồm Cộng hòa Czech, Ba Lan và một góc tây nam nước Đức). Điều khiến phát hiện trở nên hiếm hoi là số lượng đồng xu rất lớn. Vào thời Trung Cổ, đôi khi 2 - 3 loại tiền tệ mới được đưa vào lưu hành trong một năm. Mỗi lần phát hành loại tiền mới, số tiền cũ sẽ bị nung chảy để đúc tiền mới.
Trong khi chiếc bình đất nung bị hủy hoại, những đồng xu vẫn giữ nguyên hình dạng và mặt in vẫn rõ nét. Cơ quan bảo vệ di sản giải thích lý do đúc những đồng xu khác thường như vậy là do tình trạng thiếu quặng bạc. Ý tưởng đúc đồng xu từ một miếng mỏng đến từ sự khan hiếm quặng bạc và vàng. Sau khi các mỏ bạc được phát hiện ở Kutná Hora gần Prague vào đầu thế kỷ 14, đồng xu bracteate dần bị thay thế bởi đồng groschen của Prague. Đồng groschen trở nên rất phổ biến ở trung tâm châu Âu thời Trung Cổ do lượng bạc cao trong đồng xu.
Sau khi kiểm tra cẩn thận và tiến hành công tác bảo tồn, toàn bộ số đồng xu mà Kajtuś phát hiện sẽ được đưa vào bảo tàng.
An Khang (Theo Ancient Origin)