Thứ hai, 27/1/2025
Thứ hai, 27/1/2025, 11:12 (GMT+7)

Chợ nông sản 'chồm hổm' lúc tờ mờ sáng ở miền Tây

Hậu GiangChợ Vị Thanh bố trí các ô bán hàng ngoài trời, tiểu thương đa phần là nông dân mang tôm cá, rau củ quả… tự đánh bắt, trồng hoặc mua lại của bà con lối xóm bán kiếm lời.

Chợ nông sản "chồm hổm" là khu vực bán hàng "tự sản tự tiêu", rộng 1.500 m2, hoạt động từ 3 đến 10h hàng ngày, trong khuôn viên chợ TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Gọi là "chợ chồm hổm" vì tiểu thương thường ngồi xổm hoặc kê ghế nhỏ, nhiều người mua cũng thường ngồi xổm lựa hàng.

Chợ Vị Thanh tại phường 3, TP Vị Thanh, được xây dựng trên diện tích 2,1 ha, hoạt động năm từ năm 2007, với kinh phí 30 tỷ đồng. Công trình gồm các hạng mục: nhà lồng A (bách hóa) rộng 3.500 m 2, nhà lồng B (thực phẩm nông sản) rộng 6.500 m2 với 650 lô sạp cố định.

Khu chợ có khoảng 300 lô bán hàng nông sản, được bố trí ngay hàng thẳng lối, sạch sẽ trên nền xi măng. Các tiểu thương được bố trí mỗi lô 2-4 m2, tùy nhu cầu, với phí khoảng 10.000-12.000 đồng mỗi m2 cho mỗi buổi họp chợ.

Tiểu thương tại đây đa phần là nông dân, mang hàng hóa là các loại rau, củ quả, cá, tôm, cua... của gia đình nuôi trồng, đánh bắt hoặc mua gom lại của bà trong lối xóm đem ra mua bán, trao đổi.

Đã bán ở chợ "chồm hổm" được 6 năm, ông Hai Trang, 65 tuổi, cho biết vợ chồng ông là nông dân địa phương, nhà cách chợ khoảng 6 km. Hàng ngày, khoảng 3h ông chở hàng tới chợ bán, 9h về ăn uống nghỉ ngơi rồi ra vườn chăm sóc cây ăn trái, rau màu, chuẩn bị hàng hóa cho ngày hôm sau. "Mỗi ngày tôi bán được khoảng 150 kg ổi, khóm, rau màu", ông Trang nói.

Các loại rau màu do người dân trồng hoặc hái ngoài tự nhiên mang ra chợ bán.

Cá bóng trứng - một loại cá đặc sản ở miền Tây được bán tại chợ, có giá hơn 100.000 đồng mỗi kg.

Ếch đồng được bán giá 80.000-90.000 đồng mỗi kg.

"Nhờ có chợ này mà gần 10 năm qua vợ chồng tôi có chỗ bán thịt chuột, ếch nhái, cá đồng... kiếm tiền nuôi hai con học phổ thông rồi lên đại học", chị Ngô Thị Thu nói.

Hàng trăm mặt hàng nông sản được đặt trong chậu, trải bạt... tạo thành những gam màu sặc sỡ nhìn từ trên cao.

Bà Lê Thị Tập trồng khóm Cầu Đúc - đặc sản Hậu Giang mang ra chợ bán. "Tết này bán khóm chưng có giá mỗi trái 25.000-30.000 đồng. Cận Tết, mỗi ngày tôi lựa 20-30 trái khóm chưng đẹp, đủ chi phí mua nhu yếu phẩm, quà cho bà con cô bác", bà Tập nói.

Khách mua bán tấp nập tại chợ Vị Thanh vào sáng 27 tháng Chạp.

"Tôi thỉnh thoảng đi công tác về hay ghé chợ này mua đồ đồng về ăn. Hàng hóa tươi ngon, giá luôn rẻ hơn các chợ, siêu thị 10-20%, thậm chí 30% với các loại rau", ông Nguyễn Thanh Tùng, nhà ở Cần Thơ nói.

Theo chủ đầu tư, mỗi ngày có khoảng 5-6 tấn hàng hóa nông sản được tiêu thụ qua chợ này, tạo việc làm trực tiếp cho 30 hộ dân địa phương.

Bà Trần Thị Hoa Phương, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Vị Thanh cho biết khi xúc tiến quy hoạch xây dựng chợ Vị Thanh, địa phương yêu cầu phải có khu vực cho người nông dân sở tại và khu vực lân cận mua bán hàng tự sản tự tiêu, giúp bà con có thêm thu nhập, giảm bớt các khâu trung gian, giảm chi phí... Nhờ vậy, khu chợ "chồm hổm" này được duy trì và phát triển tốt đến nay.

"Những năm qua, khu chợ đặc biệt này trở thành điểm tham quan mua sắm đặc sản của nhiều du khách gần xa mỗi khi đến Hậu Giang", bà Phương nói.

Huy Phong