Thứ hai, 11/11/2024
Thứ bảy, 13/4/2024, 06:00 (GMT+7)

Chợ nón làng Chuông

Hà NộiPhiên chợ nón của người làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai mỗi tháng chỉ họp 5 ngày, kéo dài trong hai tiếng từ 4h đến 6h sáng là tan.

4 giờ sáng 12/4, các con ngõ nhỏ quanh làng Chuông bỗng nhiên tấp nập bởi hàng trăm người đội lên đầu, khoác lên vai những chồng nón ra đình làng. Đây là nơi buôn bán sản phẩm và nguyên liệu làm nón của người dân xã Phương Trung nhiều đời nay.

Chợ chỉ họp hai tiếng mỗi sáng ngày 4, 10, 14, 24, 30 âm lịch.

Chợ bắt đầu nhộn nhịp từ 5h sáng. Sân đình rộng hơn 400 m2 tập trung cả trăm người bán và hàng chục người thu mua. Khách đi chợ đa phần đã nhiều tuổi, thường bán buôn theo lô, tối thiểu một lô gồm 10 chiếc nón.

Khác với các chợ truyền thống người mua tìm người bán, tại chợ nón làng Chuông, người bán đi dọc các lối vào chợ để tìm khách mua - những người thường ngồi ở vị trí cố định chờ kiểm tra sản phẩm và thương lượng giá cả.

Giá nón bán buôn từ 20.000 đồng đến vài trăm nghìn đồng một chiếc, tùy theo mũi khâu thưa (đan mỏng) hay khâu mau (đan dày) sẽ tạo nên độ chắc chắn và bền đẹp của sản phẩm.

Mang 13 chiếc nón tự đan ra chợ, chị Phạm Thị Hường ở xóm Nghè, thôn Quang Trung, xã Phương Trung phải thương lượng với ba người mua và chốt giá bán 50.000 đồng một chiếc.

Hơn 40 năm làm nón, chị Hường nói đã chứng kiến đủ sự thăng trầm của chiếc nón, có lúc bán được giá nhưng có khi hàng tồn, giá giảm hơn nửa nhưng chưa bao giờ thấy người dân làng Chuông có ý định bỏ nghề bởi làm nón đã thành thói quen, ngơi tay lại nhớ.

Đến chợ từ 5h kém, một cụ bà ở xã Phương Trung nói đã bán được 10 chiếc nón tự đan. Bà cho biết do con cháu bận đi làm, đi học, bản thân muốn làm để có thêm tiền sinh hoạt.

"Tôi thường đi sớm bởi lúc này họ (người mua) chưa có nhiều sự lựa chọn và chưa gom đủ hàng, giá bán sẽ cao hơn một chút", bà nói. Sau khi bán được gần một triệu đồng tiền hàng, bà ghé các sạp mua lá lụi, khuôn vòng, lá mo để chuẩn bị cho đợt nón mới.

Khu bán nón thành phẩm nằm trong cùng của sân đình, các dãy hàng bán nguyên liệu làm nón như khuôn tre, mo, vòng tròn, dây cước, len ở bên ngoài.

Bà Nguyễn Thị Thọ (áo nâu), gần 70 tuổi, ở xã Phương Trung đã bán lá mo ở chợ phiên làng Chuông hơn 30 năm, chủ yếu vào mùng 4 và 10 âm lịch hàng tháng. Trung bình mỗi ngày bà bán được 100-150 bó, giá 65.000-70.000 đồng, các ngày còn lại chủ yếu bán buôn tại nhà giao đi tỉnh.

7h sáng, chợ bắt đầu vãn khách sau hai tiếng mua bán.

Hơn 40 năm nay, chị Lê Thị Hoa ở thôn Tân Tiến, xã Phương Trung đã thu mua nón bán sỉ, lẻ đi các tỉnh. Ngoài chợ phiên làng Chuông, chị cũng tìm đến các xã Văn La, Kim Thư và Cao Dương, huyện Thanh Oai để gom hàng, sau sửa lại cho đẹp.

Chị Hoa cho biết mỗi người mua lại có yêu cầu chọn nón khác nhau, tùy thuộc vào kiểu dáng, chất lượng nón cho đến giá cả. Đây cũng là lý do có tiểu thương chỉ chọn nón thưa, loại rẻ, nhưng cũng có người chỉ buôn hàng đẹp, giá từ 80.000 đồng đến hơn 100.000 đồng.

Gắn bó với nghề từ nhỏ, chị Hoa nói vui khi làng nghề vẫn tồn tại qua hàng trăm năm. Ngày nay khi nhiều hàng hóa, các sản phẩm mũ ngày càng đa dạng, nhưng nón lá làng Chuông vẫn được ưa chuộng và nhu cầu tiêu thụ cao.

Khi người bán về nhà, các tiểu thương bắt đầu kiểm đếm sản phẩm, bọc nilon mỗi cọc 100-150 nón trước khi vận chuyển đến nơi tập kết.

Ông Phạm Việt Hùng, chủ tịch UBND xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, cho biết trong tổng số hơn 4.000 hộ dân trên địa bàn có khoảng hơn 3.000 gia đình vẫn có người duy trì nghề làm nón. Đa phần họ là người già muốn giữ nghề truyền thống và mong có thêm thu nhập trong lúc nhàn rỗi.

Riêng về phiên chợ nón của làng Chuông của xã Phương Trung, chủ tịch UBND xã cho biết đây là tập tục lâu đời, có từ hàng trăm năm, diễn ra vào các ngày chẵn âm lịch.

"Không chỉ lưu giữ truyền thống, nghề làm nón lá trong năm 2023-2024 còn kích cầu du lịch, thu hút một lượng khách trong nước và quốc tế đến tham quan và trải nghiệm. Về lâu dài đã tạo thêm nguồn thu nhập cho bà con", ông Hùng nói.

Sau khi bán được chục chiếc nón ở phiên chợ, bà Lê Thị Thùy (68 tuổi) (ngoài cùng bên phải) cùng chồng và hàng xóm tụ tập trước hiên nhà ở xóm Vỹ, thôn Quang Trung, xã Phương Trung để tiếp tục làm nón. Một số công đoạn chính như là lá cho phẳng, sử dụng dao và cước để quấn vòng quanh khuôn nón, phủ lá lên nón, khâu nón và hoàn thiện sản phẩm.

Bà Thùy cho biết dân làng Chuông chủ yếu làm nón do ít ruộng. Là nghề thủ công, thu nhập thấp khiến nhiều người trẻ thời nay chọn đi làm trong khu công nghiệp.

"Giờ chỉ còn chúng tôi giữ cái nghề của ông bà. Con cháu cũng khuyên nghỉ nhưng đây là cái nghề từng nuôi sống cả gia đình, cũng là niềm tự hào của dân làng Chuông nên không thể bỏ", người phụ nữ 68 tuổi nói.

Thanh Nga - Quỳnh Nguyễn