Nghe tiếng chó Pocka sủa vang, cào bới liên hồi, đại úy Nguyễn Văn Nghĩa, Đội trưởng Đội chó nghiệp vụ cứu hộ cứu nạn của quân đội Việt Nam, biết đó là dấu hiệu cho thấy có nguồn hơi người. Anh lập tức báo cáo chỉ huy trưởng.
Đội Công binh cứu sập nhận lệnh, dùng kìm thủy lực cắt sắt mở đường để chó nghiệp vụ kiểm tra lần nữa rồi đưa thiết bị vào dò tìm. Sau khi biết chính xác vị trí người gặp nạn, đại úy Nghĩa cắm cờ đánh dấu. Công binh tiếp tục mở đường, hỗ trợ lực lượng cứu hộ nước bạn đào bới tìm nạn nhân.
Đó là ngày đầu tiên 76 quân nhân cùng sáu chó nghiệp vụ của Việt Nam bắt tay cứu hộ, sau quãng đường hơn 8.000 km với hai chặng bay và di chuyển bằng ôtô đến Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ). Thành phố du lịch nằm bên bờ Địa Trung Hải với những di sản văn hóa lâu đời là một trong 10 địa phương chịu thiệt hại nặng sau các trận động đất hôm 6/2.
Ngày 13/2 khi vừa đến, đoàn đã làm việc với cơ quan điều phối Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Liên Hợp Quốc để nhận nhiệm vụ. Đội Việt Nam được giao tìm kiếm tại xã Haci Omer Alpagot, huyện Antakya của Hatay, nơi có khoảng 5.200 dân. Chiến thuật là dùng chó nghiệp vụ đánh hơi, công binh dò tìm, đánh dấu vị trí nạn nhân bị vùi lấp, bàn giao cho lực lượng cứu hộ nước bạn đưa nạn nhân ra.
Nhờ những chiếc mũi tinh nhạy của chó nghiệp vụ, ngày đầu tiên đội Việt Nam tìm thấy 3 vị trí nghi có nạn nhân. Công binh mở đường cùng cứu hộ địa phương đưa một thi thể ra ngoài; hai vị trí còn lại đội bàn giao cho lực lượng sở tại đào bới, tìm thêm được ba nạn nhân.
Sáu chó nghiệp vụ của Trường trung cấp 24 Biên phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trở thành những "trinh sát bốn chân" đánh hơi tìm kiếm vị trí nạn nhân hoặc dấu hiệu sự sống. Năm trong sáu quân khuyển có màu lông đen vàng, giống becgie Đức, con còn lại màu đen giống Malinois, đã được huấn luyện cứu hộ cứu nạn nhiều năm.
Theo đại úy Nghĩa, chó nghiệp vụ có thể tìm được nguồn hơi ở độ sâu 5-7 m, thậm chí 12 m, giúp đẩy nhanh thời gian tìm kiếm. Trong đó Pocka - quân khuyển 8 tuổi từng tham gia nhiều vụ cứu hộ trong nước, luôn xông xáo nhất đoàn. Năm 2017, Pocka cứu sống một em bé và tìm được ba nạn nhân trong vụ lũ quét tại Mường La (Sơn La); năm 2020 tham gia tìm kiếm 13 cán bộ chiến sĩ gặp nạn ở Tiểu khu 67, thủy điện Rào Trăng (Thừa Thiên Huế).
Sang ngày thứ hai ở Hatay, chui sâu vào hầm một căn nhà đổ sập, Pocka phát hiện thêm một vị trí có nguồn hơi. Bị mảnh kính cắt chảy máu chân, nó được đưa về sở chỉ huy tạm nghỉ ngơi, để bác sĩ thú y băng bó. Các quân nhân ngồi quanh, người giữ chân, người xoa đầu Pocka.
Sang ngày thứ ba tìm kiếm, đến lượt Ê py bị mảnh vỡ cứa đứt chân khi đang đánh hơi, cào bới trong đống đổ nát. Hai quân khuyển lần lượt được nghỉ ngơi hai ngày, trong khi bốn con chó còn lại theo quân nhân chia làm hai tổ đi các hướng tiếp tục tìm kiếm.
Tổ 1 do thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Trưởng đoàn dẫn đầu tìm ở xã Haci Omer Alpagot. Tổ 2 dò tìm trong khu dân cư đường Harapasi theo lời đề nghị của Đội cứu hộ Bahrain vì họ không có công binh và chó nghiệp vụ. Đoàn cứu hộ của quân đội Việt Nam sau 10 ngày tìm kiếm tại 31 điểm đã xác định 15 vị trí có người, lực lượng cứu hộ sau đó tìm thấy 38 nạn nhân.
Ban ngày, nhiệt độ Hatay nhích lên khoảng 11 độ C, chó nghiệp vụ được tháo áo chống rét nhưng vẫn đeo tất chân để tránh thanh sắt, mảnh vỡ thủy tinh vương khắp nơi. Đêm xuống, nhiệt độ tụt xuống âm 6-10 độ, là thách thức với những người lính cùng sáu chú chó đến từ Việt Nam.
Hai ngày đầu tiên, lều lán, đồ ăn của đoàn Việt Nam bị thất lạc. Bộ đội phải đi kiếm củi đốt lửa sưởi cho ấm; chia nhau sang lán trại đội cứu hộ các nước xin những mảnh bạt để che chắn, lót ổ cho chó nghiệp vụ. Sang ngày thứ ba, đoàn được Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ chiếc bếp sưởi, bộ đội nổ máy phát điện sưởi ấm cho sáu chú chó. Quân nhân, quân khuyển ngày san sẻ từng hộp thịt khan hiếm, đêm lót bạt nằm giữ ấm cho nhau.
"Bộ đội có thể chịu lạnh, bớt khẩu phần ăn nhưng chó nghiệp vụ phải được đảm bảo đầy đủ để có sức tìm kiếm. May cả sáu đứa đều khỏe, chỉ bị thương nhẹ ở chân", anh Nghĩa cho hay.
Những "trinh sát bốn chân" mỗi lần ghi điểm đều thích được thưởng thức ăn, nhưng chuyến công tác đặc biệt này, phần thưởng là những cái ôm khen ngợi, xoa đầu vì thịt hộp, nước uống đều khan hiếm. Anh Nghĩa kể dường như quân khuyển cũng hiểu được, luôn quẫy đuôi đón nhận và sẵn sàng đợi lệnh.
Thiếu tá Trần Thế Thành, Đội phó Công binh cứu sập, kể trong lúc quân nhân đang tìm kiếm dưới những tòa nhà sập, rung chấn vẫn xảy ra. Đội luôn phải bố trí người cảnh giới phía ngoài, kịp hỗ trợ khi cần thiết. Những nơi xe không vào được, bộ đội vác máy móc, đi bộ hàng chục cây số.
"Sung sướng nhất là khi radar dò tìm bắt được tín hiệu sống dưới đống đổ nát", anh Thành nói, cho hay khi đó toàn đội hợp lực, nhanh chóng xác định thông tin dù chỉ là một tia hy vọng. Nhiều vị trí nạn nhân bị vùi lấp sâu, địa hình phức tạp, nhưng đoàn Việt Nam vẫn tìm thấy, được đồng nghiệp các nước đánh giá cao.
Ngày làm việc của những người lính kéo dài từ 8h đến 19h, các bữa trưa đến vội bằng lương khô, mì tôm sống và nước lọc. Bữa tối là chiếc xoong lớn đầy mì tôm, không rau xanh. Nước sạch khan hiếm, họ xin quân y cồn "tắm khô" xịt khắp người. Chiều 23/2 trở về Việt Nam cũng là ngày đầu tiên 76 quân nhân mới được tắm sau 10 ngày đi cứu hộ.
Bù đắp lại, những ngày trong tâm thảm họa, người dân Thổ Nhĩ Kỳ dù thiếu thốn vẫn san sẻ một phần nước uống cho chó nghiệp vụ, tặng bánh mì cho bộ đội Việt Nam thay lời cảm ơn. Ngược lại, các quân nhân đến từ đất nước cách 8.000 km chia sẻ lương khô, mì tôm với dân làng.
Ảnh: Quân nhân, quân khuyển chui dưới bêtông tìm người bị nạn
Sơn Hà - Hoàng Phương