Chiều 12/10, hơn 10 tiếng sau vụ sạt lở khiến 18 người bị vùi lấp ở Tân Lạc, Hoà Bình, hàng chục người thân của các nạn nhân vẫn tập trung ở khu đồi cao cách khoảng trăm mét dõi theo việc cứu hộ.
Lúc 14h45 thi thể nạn nhân thứ chín đã được đưa ra ngoài. "Còn chín người nữa chưa được tìm thấy", đại diện Cục Cảnh sát PCCC Bộ Công an, một trong những lực lượng phối hợp tìm kiếm cho biết.
Hiện trường tìm kiếm là một thung lũng dưới chân đồi rộng cả hecta. Việc cứu nạn không dễ dàng khi lớp đất dày vài mét, cùng nhiều tảng đá lớn vùi kín toàn bộ năm ngôi nhà. Trận mưa lớn hồi cuối giờ sáng dù đã ngớt nhưng vẫn khiến nước từ trên đỉnh núi đổ xuống suối như thác, đất đá tiếp tục lở.
Hàng trăm người thuộc các lực lượng quân đội, công an, cảnh sát cơ động, cứu nạn... thay phiên nhau dùng xẻng, cuốc, đào bới.
Ngoài những máy xúc đang hoạt động hết công suất, cảnh sát cơ động (Công an tỉnh Hoà Bình) mang thêm bốn chó nghiệp vụ vào đánh hơi, xác định vị trí có người bên dưới. Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Bộ Công an cũng mang theo máy dò nhiệt và máy quét hình ảnh.
Ngoài bốn hộ dân bị vùi lấp hoàn toàn, 18 người thiệt mạng còn 40 hộ dân khác bị ảnh hưởng bởi vụ sạt lở lần này. Ông Đinh Công Sứ, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cho rằng đây là trận mưa lũ gây sạt lở nghiêm trọng nhất từ trước đến nay trên địa bàn.
Lãnh đạo tỉnh và huyện đã thăm hỏi và hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 8 triệu đồng.
Sáng 12/10, bờ suối tại xóm Khanh, xã Phú Cường (Tân Lạc) bất ngờ sụt lún, kéo theo 7 nhà dân sạt lở. Lãnh đạo xã xác nhận ít nhất 4 ngôi nhà bị vùi lấp hoàn toàn cùng 18 người.
Đợt mưa lũ dồn dập "10 năm chưa từng có" lan rộng khắp các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ làm hơn 70 người chết và mất tích chỉ trong ba ngày. Đợt mưa hình thành từ 10/10 do áp thấp nhiệt đới kết hợp gió mùa đông bắc. Nước sông suối dâng cao cùng hơn 30 thủy điện đồng loạt xả lũ khiến hàng loạt đê đập ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội gặp sự cố.
Nhóm phóng viên