Chợ Nghĩa Tình do Sở Công Thương, Thành Đoàn TP HCM cùng Tập đoàn FPT (Tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX và Ứng dụng Utop) phát triển. Ông Nguyễn Thành Nam, Nhà sáng lập FUNiX cho biết Chợ Nghĩa Tình thực chất là website: http://chonghiatinh.vn. Những người gặp khó khăn trong vùng dịch có thể đi chợ, tìm mua thực phẩm, nhu yếu phẩm và không phải trả tiền hoặc chỉ trả theo giá hỗ trợ.

Giao diện của website: chonghiatinh.vn.
Ông Nam chia sẻ hàng hóa bày trên chợ sẽ xuất phát từ hai nguồn: hàng được cứu trợ sẵn và nông sản, thực phẩm của bà con ngay trong địa phương. Hàng cứu trợ có giá niêm yết là 0 đồng. Với nguồn còn lại, người bán tự niêm yết giá theo nguyên tắc giá tối thiểu. Người đi chợ có thể lựa hàng và cho vào giỏ. Hằng ngày, ban quản lý chợ sẽ gom hàng, phân loại, đóng gói theo từng đơn hàng. Sau đó, các tình nguyện viên chuyển đến trực tiếp cho người mua. Các nhà tài trợ có thể đóng góp cho địa phương, có thể chuyển tiền hoặc hàng cho ban quản lý chợ khu vực.
Ý tưởng về Chợ Nghĩa Tình được khởi xướng bởi chị Nguyễn Thị Thành Thực, một mentor FUNiX (chuyên gia hướng dẫn) ở Bắc Giang. Chị nhận thấy, trong giai đoạn tỉnh này là tâm dịch, nhiều vùng bị phong tỏa khiến người dân gặp khó khăn trong duy trì cuộc sống, không thể tới chợ, đồng thời, nông sản thực phẩm trong vùng lại không được tiêu thụ, hàng hóa cứu trợ khó phân phối. Giải pháp "chợ cóc online" đặt ra để giải quyết đồng thời cả hai vấn đề trên.
Hannah FUNiX (cán bộ chăm sóc học viên) Vũ Hoa tại Bắc Ninh đã kết nối để triển khai cho các vùng bị phong tỏa tại địa phương. Mặc dù đánh giá cao tính thực tế của mô hình này, song do điều kiện hạn chế về nguồn lực, dự án chợ đã không thể triển khai tại Bắc Ninh. Khi Covid-19 bùng phát ở TP HCM, nhóm dự án gấp rút đưa sản phẩm vào hoạt động trong tâm dịch. Sau hai tuần thí điểm, TP HCM phát lệnh phong tỏa, mô hình chợ đưa ngay vào thực tế.

Tình nguyện viên chonghiatinh.vn trao hàng hóa tận nhà cho người dân trong khu vực bị phong tỏa.
Anh Hồng Văn Tuấn, Phó Giám đốc Utop cho biết bản thân biết đến dự án qua sự giới thiệu của nhà sáng lập FUNiX khi tình hình dịch ở TP HCM bắt đầu căng thẳng. Anh cùng công ty tham gia dự án với vai trò trưởng nhóm hỗ trợ vận hành vào ứng dụng thương mại điện tử (ecommerce), kiểm soát hàng tồn (hàng tài trợ) ở các cơ sở (Thành Đoàn, Quận đoàn). Đội vận hành của ứng dụng Utop cũng tăng thêm nguồn lực vận hành cho Chợ Nghĩa Tình.
"Các bạn trong đội vận hành trước đây đa số là tình nguyện viên, chưa có kinh nghiệm triển khai ecommerce, quy trình quản lý vận hành kho bãi. Ban tổ chức đã tập huấn cho các tình nguyện viên tại 22 điểm, với hàng trăm người tham gia" - anh Tuấn chia sẻ.
Điều Phó Giám đốc Utop tâm đắc nhất là việc ứng dụng làm từ thiện với ecommerce: Mọi số liệu, hình ảnh dự án đều minh bạch giúp nhà tài trợ có thể yên tâm hoàng hóa đến tận tay người dân. Dự án kiểm soát tồn kho từng thùng mì, gạo, nước mắm ở địa phương. Hoạt động có thể triển khai khắp cả thành phố từ Củ Chi, Hóc Môn đến Nhà Bè. "Từ thông tin minh bạch, Sở Công Thương có thể kêu gọi đóng góp từ nhiều nguồn lực tham gia hỗ trợ hơn" - anh Tuấn nói thêm.
Với sự ủng hộ của Thành Đoàn TP HCM, Chợ Nghĩa Tình triển khai cho toàn bộ 22 quận huyện trong hai ngày. Hàng loạt công tác cần chuẩn bị chia ra cho các đơn vị: vận chuyển đến các điểm khi không có đơn vị dịch vụ đã tạm ngưng hoạt động; triển khai hệ thống website sẵn sàng; hệ thống backend chịu tải; báo cáo cho Bộ Công Thương... Nhờ sự đồng lòng của toàn bộ thành viên tham gia, dự án đã kịp thời triển khai đúng thời hạn.
Cập nhật những hình ảnh mới nhất về Dự án tại quận Phú Nhuận trong nhóm Chợ Nghĩa Tình trên nền tảng Facebook, anh Nguyễn Minh Tấn, cán bộ Đoàn địa phương, cho biết các nhu yếu phẩm trao tận tay bà con trong vùng dịch, đặc biệt, các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, người khuyết tật. Nhiều người dân cảm kích khi nhận được những món quà từ các tình nguyện viên.
Nhờ sự đồng lòng của toàn bộ thành viên và hàng trăm tình nguyện viên, dự án đã hỗ trợ cung ứng nhu yếu phẩm cho vùng dịch. Tính đến cuối tháng 7, Chợ Nghĩa Tình đã trao gần 4000 đơn, tổng giá trị là 1,1 tỷ đồng cho người dân. Nhu yếu phẩm được trao tận tay bà con, đặc biệt, các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, người khuyết tật.
Quỳnh Anh
Ảnh: FUNiX