Đợi đến lượt khám cho chó, mèo. |
Ở TP HCM hiện nay nuôi một vài chú chó kiểng, hay mèo ngoan đã trở nên phổ biến. Không chỉ đơn thuần xem những chú chó, mèo như vật nuôi hay là “công cụ” hữu hiệu để giữ nhà, bắt chuột… nhiều người đã coi chúng như một thành viên quan trọng trong gia đình, lo cho cái ăn, cái ở, cư xử nhẹ nhàng, dành cho những tình cảm yêu thương, chiều chuộng đặc biệt.
Tại nhà chị Trương Thị Ngọc nằm trong con hẻm vừa, thuộc quận 3, ở góc trong cùng, nơi giáp với cửa chính có đặt một ngôi nhà nhỏ xíu. "Đó là cơ ngơi của Kiss. Ông xã vừa đặt người ta làm được ba tháng, mất gần bốn trăm nghìn", chị Ngọc cho biết. Ngôi biệt thự của chú chó Kiss được đóng bằng ván, chiều ngang khoảng 1 m, sơn hai màu trắng, xanh khá tỉ mỉ. Xung quanh biệt thự được quét dọn sạch sẽ, bên trong trải một tấm thảm êm khá xịn. Chị Ngọc hãnh diện kể thêm: "Hằng ngày tôi đều dọn sạch sẽ nhưng nó có chịu ngủ trong đó đâu, buồn buồn là nhảy phốc lên sa-lông nằm".
Giá các loại chó cảnh: Chó Nhật, chó Bắc Kinh (chó con: 500-600.000 đồng). Mèo: Mèo tam thể, mèo trắng, mèo đen, mèo vàng (30.000-100.000 đồng). |
Anh Thiện (quận 6) nuôi tới 5 chú chó Bắc Kinh gồm hai cái, ba đực. Hằng tháng anh phải lo thực phẩm dành riêng cho các chú theo từng tháng tuổi, và cả sữa… Chi phí cũng ngốn đến bạc triệu. Khi chú chó cái mang thai anh dành chế độ chăm sóc riêng. Anh nói: "Tốn thời gian nhất trong ngày là khi tắm cho bọn chúng, nhưng cũng vui. Sợ nhất là một trong năm con bị bệnh, phải đưa đi chỗ khác ngay vì rất dễ lây sang các con khác".
Không được nuôi nhiều bằng chó, nhưng nếu gia đình nào đã nuôi mèo thì rất yêu chiều. Chị Nguyễn Đạo, ở Gò Vấp, nuôi 5 chú mèo mướp, mỗi chú được chị đặt cho một tên gọi trìu mến và ý nghĩa như Đen Tuyền, Bạch Tuyết… Nếu gọi "meo meo" chúng không hề phản ứng, nhưng khi gọi "Bạch Tuyết ơi" thì lập tức một con nhảy ngay lên lòng. Chị Đạo cho biết, chị tắm cho mèo mỗi tuần 2 lần và mỗi ngày tốn khoảng 10.000 đồng tiền mua cá cho chúng. Cả 5 con mèo đều béo phây phây, lông mượt mà, dáng đi ngúng nguẩy.
Mèo mướp đã vậy, mèo tây còn được chăm sóc kỹ hơn. Ông Bào, ở quận 1, nuôi 2 con mèo Nga, lông xù như lông chó Nhật, mắt xanh. Mèo nằm cả ngày trên ghế sô pha, khách vào không bỏ chạy mà còn lựa lúc khách mải nói chuyện trèo ngay lên lòng ngồi. Ông Bào hằng ngày cho chúng ăn đồ mua ở siêu thị và tắm nước thơm, tỉa lông cho chúng hằng tuần.
Sự chăm sóc, yêu thương của nhiều người còn được thể hiện khá "bất thường" mỗi khi các chú mèo, chó của họ bị bệnh. Trạm chẩn đoán xét nghiệm và điều trị của Chi cục Thú y TP HCM hằng ngày vào buổi sáng khá nhộn nhịp. Các chú chó, mèo được người ta đưa đến bằng nhiều phương tiện khác nhau. Có chú được người ngồi phía sau xe gắn máy, có người ẵm đến, hoặc được bỏ vào chiếc giỏ. Có chú sướng hơn được ngồi taxi, thậm chí nhiều chú quý tộc được đến bằng những chiếc xe hơi đời mới bóng loáng.
Phẫu thuật khối u dạ con cho mèo. |
Bên trong phòng khám, trên hai dãy ghế dùng để ngồi đợi, nhiều người ôm chặt những chú chó, mèo vào lòng, nét mặt lo lắng, căng thẳng. Lần lượt từng con được khám, chẩn đoán bệnh và điều trị. Chú nào bị cảm, sổ mũi, viêm tai mũi họng thì được tiêm hoặc kê toa uống thuốc ngay. Chú nào khi khám có dấu hiệu viêm đường hô hấp, đường tiêu hóa, viêm sỏi bàng quan (chó đực), viêm tử cung (chó cái)… thì được chuyển sang phòng siêu âm, phòng chụp X quang hay được thực hiện một số test trắc nghiệm. Có nhiều chú chó được đưa ngay lên bàn mổ khi phát hiện ung thư hay bị khối u. Nếu chú chó mèo nào phải ở lại để điều trị, hay để dưỡng sức nhiều ngày thì được đưa vào phòng lưu, nơi mà các bác sĩ thú y gọi vui là “khách sạn” đặc biệt.
Bác sĩ thú y Phạm Văn Thủ kể lại việc có hai mẹ con đưa chó đến khám với nguyên nhân là... biếng ăn. Buổi sáng phòng mạch tư của ông đông người nên phải theo thứ tự. Bà mẹ phải đi làm đã để đứa con gái cùng chú chó lại. 30 phút sau đó từ công sở, bà liên tục gọi điện thoại về phòng mạch để hỏi cô con gái về tình hình của chú chó: “Con ơi, em sao rồi con?”… “Khám xong, con lấy thuốc cho em nó uống đúng liều nghe!”.
Theo bác sĩ Võ Khắc Trâm - Tổ trưởng tổ điều trị, Chi cục Thú y, mỗi ngày trung bình có khoảng 110 con chó mèo (trong đó chó chiếm phần lớn, trên 80%) được đưa đến đây để khám và điều trị. Chó kiểng thường bị bệnh về đường hô hấp và bệnh về đường tiêu hóa. Nhiều chú chỉ vì cho tắm lâu một chút, hay khi tắm xong do lau không kỹ thì cũng đã cảm, sổ mủi rồi. Hay có chú cho uống sữa nhiều quá cũng bị tiêu chảy liền. Riêng với những chú mèo thì ít mắc bệnh vặt hơn do sức đề kháng ở mèo cao, nhưng khi các chú đã ngã bệnh thì thường bị rất nặng.
Nghe phổi cho chó tại một phòng mạch tư. |
Tại TP HCM hiện nay ngoài những nơi chẩn đoán, điều trị thuộc trạm Thú y của các quận và một số trạm Thú y có quy mô lớn, hiện đại như trạm Thú y thuộc Chi cục Thú y TP HCM, trạm Thú y thuộc trường đại học Nông Lâm… còn có các phòng mạch Thú y tư nhân. Tại các phòng mạch Thú y tư nhân, quận 3, trung bình mỗi ngày khám và điều trị khoảng 30 chú chó mèo các loại, trong đó hơn 80% là chó.
Ngoài việc khám chữa bệnh, người nuôi chó mèo còn có một số nhu cầu khác. Bác sĩ thú y Huỳnh Hữu Thọ, Phó trạm Chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị - Chi cục Thú y TP HCM còn cho biết, nhiều người thậm chí có nhu cầu chải lông cho con vật cưng của mình mỗi tuần một lần, với giá mỗi lần tốn hơn một 100.000 đồng. Một số còn yêu cầu mở thêm phòng hớt, uốn, nhuộm “tóc”, cắt giũa móng cho chó, mèo.
Thậm chí, tại một số lò thiêu rác y tế như lò thiêu 124 Phạm Thế Hiển, quận 8, bệnh xá trường đại học Nông Lâm… thường có một khu dành để thiêu xác động vật thí nghiệm hay động vật nuôi. Nhân viên hỏa táng ở đây cho hay thường gặp những yêu cầu thiêu những vật nuôi yêu thương chẳng may qua đời. Thông thường tất cả xác động vật chết đều được gom lại để thiêu, nhưng có nhiều người yêu cầu thiêu riêng vật nuôi của mình. Sau đó, họ xin lại chút tro tàn cho vào chiếc tĩnh sứ đem về làm… kỷ niệm. Thậm chí có gia đình xin xác con vật của mình đem về chôn cất tại mảnh vườn trong nhà.
Đối với “những người ngoài cuộc”, những hành động trên thường được cho là quá đáng nhưng những người nuôi “vật cưng” thì đó là những nhu cầu bình thường. Tuy nhiên, các bác sĩ thú y cũng khuyến cáo, chó mèo có thể lây sang người nhiều bệnh nguy hiểm khi người nuôi hay ôm ấp như: bệnh vàng da, viêm gan, giun sán (có thể làm mù mắt người)… Vì vậy, cần đi tiêm phòng ngừa theo định kỳ nhằm tránh nguy hại cho người đồng thời phòng ngừa cho các chú. Mèo khi mắc phải siêu vi trùng nêu trên thì rất khó điều trị. Ngoài ra, người nuôi không nên chăm sóc các chú cẩn thận quá, chẳng hạn khi các chú có dấu hiệu biếng ăn, uể oải thì không nên vội vã truyền dịch, nước biển mà phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao để khắc phục, điều trị.
Trần Đình