Rời nhà từ 1h sáng, anh Hưng, 24 tuổi, ở Yên Bái cùng vợ và con trai hai tháng tuổi bắt xe khách lên Bệnh viện Nhi Trung Ương. Sau 4 tiếng di chuyển, hai vợ chồng có mặt ở viện, chán nản khi thấy cảnh xếp hàng dằng dặc. Dãy ghế chờ ở nơi đăng ký khám chữa bệnh tự nguyện không còn chỗ trống. Nhiệt độ lúc này khoảng 8 độ C.
Tại nơi phát phiếu, mọi người để sẵn túi đồ hoặc ngồi hẳn xuống đất để không bị mất chỗ. Các mẹ một tay bế con, một tay xách đồ, hai chân run bần bật, miệng liên tục dỗ dành để trẻ không quấy khóc. Mọi người đều trùm khăn kín đầu, trẻ nhỏ phải quấn nhiều lớp chăn vì rét lạnh.
Tựa lưng vào tường, anh Hưng thở dốc nói việc đi viện trong cái rét 8 độ C như "một cơn ác mộng". Con trai bị nôn trớ gần một tháng, nằm điều trị ở bệnh viện địa phương hai tuần nhưng không đỡ. Ngồi co ro bên cạnh, chị Linh, vợ anh cũng sụt sịt nói thời tiết này "người khỏe cũng đổ bệnh". Hai vợ chồng đã bán hết trâu, lợn đưa con đi khám, đến nay chỉ còn hai triệu đồng cầm theo.
"Chẳng ai muốn đi viện trong thời tiết này, nhưng con ốm nên đành chịu, coi như chẳng còn Tết nữa", chị nói.
6h sáng, bệnh viện bắt đầu tiếp đón bệnh nhân. Anh Hưng nhanh chân lấy được phiếu khám số một, thầm nghĩ có thể về trong ngày nhờ được khám sớm.

Nhờ đến sớm, anh Hưng lấy phiếu đầu tiên để đưa con vào khám sớm, mong khám nhanh để về nhà sớm trong ngày. Ảnh: Thùy An
Chị Phạm, 37 tuổi, ở Hà Nội, cũng rời nhà từ 4h sáng nhưng đợi gần hai tiếng mới lấy được phiếu khám. Con gái một tuổi của chị bị ho, nôn trớ, viêm phế quản, đi khám nhiều nơi nhưng không khỏi. Hai vợ chồng quyết định đưa con vào bệnh viện tuyến cuối mong được bác sĩ chẩn bệnh chính xác và điều trị khỏi.
Trong không gian chật hẹp, chị liên tục đứng lên ngồi xuống dỗ dành để con không quấy khóc. Ngoài 4 lớp áo, khăn, mũ, khẩu trang, em bé còn được mẹ quấn thêm tấm chăn nhỏ. Sờ thấy lưng con lấm tấm mồ hôi do được bịt bọc kỹ càng, chị Phạm nhanh tay cởi bớt tấm chăn, bế con ra chỗ thông thoáng để bé dễ thở.
"Nhìn quầy xếp số đông nghịt người, tôi định bỏ về nhưng chồng bảo chịu khó vì con", chị kể, thêm rằng đến 7h30 mới được vào khám.
Hiện nay, các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ đang trải qua những đợt rét đậm, rét hại nhất từ đầu mùa đông tới nay. Nhiệt độ ngoài trời có lúc giảm xuống dưới 10 độ C, kèm mưa phùn gây ảnh hưởng sức khỏe. Đặc biệt, trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh do sức đề kháng của cơ thể còn yếu.
Từ cuối tháng 12 đến nay, lượng bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi trung ương khám tăng đột biến, khoảng 4.000 đến 4.500 lượt mỗi ngày, tỷ lệ trẻ nhập viện cao, nhiều em diễn biến nặng. Hiện nơi này điều trị nội trú cho hơn 2.000 trẻ. Đa số bệnh nhi mắc bệnh lý hô hấp do thay đổi thời tiết, cúm chiếm 10% tổng các mặt bệnh với hơn 800 phiếu xét nghiệm cúm mỗi ngày.
Thời tiết rét đậm kéo dài tạo điều kiện cho virus phát triển, khiến hệ miễn dịch trẻ suy giảm, chán, bỏ ăn, quấy khóc. Chưa kể, thời tiết lạnh khiến nhiều gia đình ngại đưa trẻ đi khám, dẫn đến chủ quan, trì hoãn nhập viện nên tiên lượng nặng nề.
TS. BS Cao Việt Tùng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết do đặc thù là tuyến y tế cuối của miền Bắc, một trong ba bệnh viện nhi hàng đầu cả nước, nên nơi này luôn đông bệnh nhân. Bệnh viện cố gắng đón tiếp đầy đủ, đúng quy trình, mở giờ khám từ 6h sáng. Đơn vị cũng có số điện thoại đường dây nóng để tư vấn cho gia đình trước khi đến khám.
Dù vậy, bác sĩ Tùng khuyến cáo gia đình không nên đưa con đi quá sớm trong tiết trời lạnh giá, khiến trẻ có nguy cơ nhiễm lạnh và ốm nặng hơn. Việc đổ xô đi khám sớm không chỉ khiến người dân vất vả, còn gây "ùn tắc giả tạo", trong khi viện vắng vẻ vào buổi chiều.

Từ 5h sáng, mọi người xếp hàng lấy phiếu khám sớm cho con. Ảnh: Thùy An
Các bác sĩ khuyến cáo trong điều kiện rét hại, đậm tăng cường, mọi người cần hạn chế ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 21h đến 6h. Không nên cho trẻ đi khám quá sớm, nguy cơ làm nặng thêm các vấn đề sức khỏe.
Nếu phải ra ngoài, nên trang bị quần áo ấm, che chắn được gió lùa như áo khoác, quần dài giữ nhiệt, khăn choàng, mũ, găng tay, tất, khẩu trang...
Để ngừa bệnh, gia đình nên chủ động cho trẻ tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch. Vệ sinh mũi, họng hàng ngày cho trẻ. Giữ môi trường ở thông thoáng, cửa cần kín tránh gió lùa, phòng ngủ sạch sẽ. Dạy trẻ biết rửa tay bằng xà phòng đúng cách, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Tắm nước ấm cho trẻ. Cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo an toàn thực phẩm. Trẻ nhỏ dưới 6 tháng nên cho bú sữa mẹ hoàn toàn.
Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu nặng hơn như khó thở, thở nhanh, lồng ngực rút lõm, tím môi, li bì hoặc kích thích vật vã, ăn kém hoặc bỏ ăn, nôn nhiều... cần đi khám. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, tích trữ thuốc tại nhà hay ngại đi dám do trời lạnh dẫn đến biến chứng, điều trị tốn kém hơn.

Từ nơi phát phiếu, đăng ký khám... tại Bệnh viện Nhi Trung ương đều chật kín người từ sáng sớm. Ảnh: Nhân vật cung cấp
*Tên nhân vật đã thay đổi
Thùy An