Đi siêu thị từ sớm, anh Hoàng ở quận 3 cho biết xếp hàng tại Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu từ 8h sáng mà tới 12h30 vẫn chưa tính tiền xong. Ngoài phải xếp hàng chờ tới lượt vào mua thì anh còn phải tiếp tục xếp hàng để thanh toán do khách hôm nay quá đông.
"Khi TP HCM phát đi thông tin tăng cường biện pháp chống dịch ‘ai ở đâu ở yên đó’ từ 23/8, tôi tranh thủ đi mua thêm đồ cho gia đình và 2 cháu nhỏ. Đặt online lúc có lúc không mà sữa và bỉm thì bắt buộc phải trữ nên tôi mới ra siêu thị từ sớm", anh Hoàng nói.
Tranh thủ ghé MM Mega Market An Phú, chị Hoa cho biết, khách đến đại siêu thị quá đông nên chị cũng phải chờ cả tiếng đồng hồ mới được vào mua hàng. Một số khách đi muộn thì phải rời sang điểm khác vì lượng khách tăng cao siêu thị phải tạm đóng cửa chính.
"Tôi mua hàng để đủ ăn cho 2 tuần nên chờ thanh toán khá lâu. Dù sao cũng chỉ đi một lần nên tối qua đã lên danh sách tất cả món hàng nhưng vẫn không thể nhanh hơn. Hơn 12h tôi mới rời siêu thị", chị Hoa nói.
Khảo sát cho thấy, lượng khách đến Big C, Co.opmart, Aeon Mall, Vinmart tại các quận 1,3, 6, Bình Thạnh, Tân Phú khá đông.
Tại Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu, Cống Quỳnh khách ngồi xếp hàng dài trước cửa siêu thị để đợi mua hàng. Đặc biệt, tại Cống Quỳnh khách còn xếp hàng ra tới nhà xe.
Cùng với Co.opmart tại MM Mega Martket An Phú, Aeon Mall Tân Phú lượng khách tăng đột biến gấp 3-4 lần so với trước đây. Nhân viên tại các hệ thống này cho biết, họ buộc phải yêu cầu khách giãn cách và cho khách vào theo đợt để tránh tình trạng chen lấn và lây nhiễm bệnh tật.
Aeon Việt Nam cho biết có tình trạng thiếu hàng cục bộ trong một số thời điểm và khách hàng xếp hàng dài để chờ thanh toán. Ngay sau đó, họ đã giới hạn số lượng khách, sắp xếp khu vực ngồi chờ, phân luồng cửa ra và vào để đảm bảo giãn cách, tuân thủ các quy định về phòng dịch Covid-19. Đồng thời, từ phía siêu thị cũng liên tục bổ sung hàng hóa lên kệ.
Để chuẩn bị hàng cho 2 ngày cuối tuần sắp tới, siêu thị đã có phương án tăng thêm trữ lượng nhập hàng và nguồn dự trữ, sẽ luôn cố gắng để đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân.
Về phía MM Mega Market, hệ thống này chỉ cho khách vào tuần tự. Nếu khách quá đông, siêu thị sẽ tạm thời đóng cửa chính. Riêng với nguồn hàng, siêu thị đảm bảo cung ứng gạo, mì, dầu ăn, gia vị lượng trữ dồi dào cho 1-2 tháng. Còn hàng tươi sống, rau xanh thì nhà cung cấp giao hằng ngày với số lượng lớn.
Bên cạnh các đại siêu thị ở các cửa hàng, bách hoá, cửa hàng tiện lợi ở TP HCM cũng ghi nhận tình trạng người dân xếp hàng đông hơn những ngày trước.
Anh Đinh (phường 1, quận 4) sáng nay định đi mua thêm thực phẩm để dành làm đồ chay cúng rằm tháng 7. Tuy nhiên, anh từ bỏ ý định khi cửa hàng đông hơn ngày thường.
"Tôi mua ở một cửa hàng thực phẩm gần chung cư Vạn Đô nhưng mọi người nay xếp hàng dài hàng trăm mét ra đến đường Bến Vân Đồn. Thấy người chờ mua quá nhiều nên tôi quay về, chưa mua sắm thêm được", anh kể.
Tương tự, định mua thêm thực phẩm lúc 12h trưa nhưng chị Hiếu, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 bỏ cuộc khi thấy dòng người xếp hàng quá dài trước một cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường Đề Thám.
"Tôi qua cửa hàng tiện lợi Cheers gần đó thì quầy mỳ gói đã trống trơn, một nửa khu kệ trưng bày không bán gì. Tài xế Grab xếp bên ngoài chờ lấy hàng cũng nhiều. Thậm chí lò bánh mỳ gần đó cũng nhộn nhịp hơn mấy mấy hôm trước", chị Hiếu cho biết. Nhiều người tiêu dùng khác cũng phản ánh các cửa hàng Bách Hoa Xanh gần nhà nay đông hơn trước.
Một cửa hàng ở phường 8, quận Phú Nhuận đón khách hàng đến xếp hàng dài với sự ổn định trật tự của lực lượng công an và dân phòng.
Trên đường Hoàng Ngân, phường 16, quận 8, đến 12h trưa thì người vào không còn nhiều lựa chọn. "Cá và hải sản chỉ còn rất ít. Riêng thịt tươi chỉ còn xương nên nhân viên cửa hàng bắt đầu tăng châm các loại thịt đông lạnh lên quầy. Khu vực rau còn nhiều và phong phú nhưng khách vào mua cùng lúc", chị Hoàng Ngọc cho biết.
Ông Nguyễn Tuấn Khởi, Trưởng ban quản lý dự án Foodshare Market cho biết, nhu cầu nhu thực phẩm của người dân đã tăng cao trong 4 ngày qua, khi có những thông tin về kế hoạch siết chặt giãn cách xã hội hơn nữa tại TP HCM.
Không chỉ nhu cầu đi chợ, siêu thị tăng cao mà ngay trên các chợ online lượng đặt hàng cũng tăng đột biến.
Chị Linh, chuyên bán cá biển Phan Thiết, cho biết ngay khi TP HCM ra thông báo mới thì số đơn đặt hàng đã tăng gấp đôi. Ngoài ra, những đơn đã đặt trước đăng ký mua thêm gấp 3 lượng hàng. Có những đơn tăng từ 3 kg lên 10 kg.
"Tôi đang quá tải nhưng cũng ráng nhận đơn để phục vụ khách. Đến hết chiều nay là tôi ngưng nhận đơn hàng và sẽ chỉ bán lại sau 15/9", chị Linh nói.
Xác nhận lượng hàng tăng cao, các nền tảng đi chợ hộ, giao hàng nhu yếu phẩm cho biết đơn hàng hôm nay cao bất thường.
"Nhu cầu đặt giao hàng qua dịch vụ đặt thực phẩm GoFood và giao hàng GoSend của Gojek sáng nay tăng ở mức 2 con số so với những ngày trước", đại diện Gojek cho biết.
Tình hình cũng tương tự với Grab. "Chúng tôi ghi nhận số lượng đơn hàng tăng mạnh trên dịch vụ GrabMart, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả", Đại diện Grab xác nhận.
Thi Hà - Viễn Thông