Chủ nhật, 4/5/2025
Thứ hai, 19/12/2022, 06:00 (GMT+7)

Chợ đồ cổ giữa lòng Sài Gòn

Hoạt động chính thức từ năm 2013, chợ đồ cũ, đồ cổ được coi là nơi buôn bán hoài niệm và tìm lại hồi ức Sài Gòn xưa.

Chợ nằm trong một quán cà phê ở hẻm trên đường Nơ Trang Long. Hàng tuần, chợ bắt đầu từ 6h tới hơn 14h các ngày thứ bảy và chủ nhật. Vé vào cửa 40.000 đồng mỗi người nhưng có thể dùng để đổi một món ăn hoặc đồ uống.

Người mê đồ cũ, đồ cổ Sài Gòn gần như tuần nào cũng có mặt tại đây. Có người tìm tới để mua bán trao đổi nhưng cũng nhiều người tới chỉ để nhâm nhi ly cà phê và ngắm đồ.

Bà Nguyễn Thị Nga, 61 tuổi, ở quận 3 là một vị khách quen thuộc. Bà cho biết, gần 10 năm nay, cứ mỗi cuối tuần sau khi làm xong việc nhà, bà lại ghé chợ.

"Quán cà phê chợ đồ cổ đông đúc nhưng không xô bồ, ở đây như một cuốn phim chiếu chậm, vọng lại ký ức với biết bao kỷ vật gây cho tôi nhiều hoài niệm thân thương. Tôi hay tìm mua những món đồ bằng đồng mà trước đây gia đình thường sử dụng như lư hương, chân đèn, cối xay tiêu…", bà Nga chia sẻ.

Ông Nguyễn Thành Danh, 54 tuổi, chủ gian hàng bán linh kiện xe đạp cổ cho hay, chợ còn là nơi để những người có chung đam mê đồ cổ giao lưu hoặc trưng bày giới thiệu những món mà mình sưu tầm được.

"Tôi thích không khí của chợ vì vừa bán hàng vừa được thưởng thức âm nhạc xưa giúp thư giãn, giảm bớt căng thẳng tuổi già", ông Danh nói.

Chú Ba (áo kẻ xanh) đã 80 tuổi nhưng cuối tuần nào cũng ghé đến đây ngắm những món đồ cổ. "Mỗi lần đến đây tôi không có chủ đích mua cái gì ngay, cứ dạo một vòng thấy ưng gì thì mua. Giữa Sài Gòn có một địa điểm giao lưu cuối tuần như thế này rất thú vị", ông nói.

Thanh An và bạn lần đầu đến quán cà phê chợ đồ cổ đã choáng ngợp trước nhiều gian hàng trưng bày những kỷ vật xưa. "Lúc nãy vô tình đi ngang một chiếc bàn là con gà bằng đồng tôi rất xúc động. Nó rất giống chiếc bàn ủi - vật dụng xa xỉ nhất của gia đình tôi từ mấy chục năm trước, giờ chỉ còn lại trong ký ức. Cứ tưởng sẽ không bao giờ được nhìn lại thứ đồ dùng đó nữa không ngờ hôm nay lại gặp ở đây", cô gái 28 tuổi chia sẻ.

Ngoài những người đam mê hoài niệm, chợ còn thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài tới tham quan, mua sắm và tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.

Ông Jon Allsop (người Pháp) sống ở Việt Nam được 7 năm. Ông cùng vợ (người Việt) chuyên bán những món đồ cổ mua từ Pháp.

Bật lửa Zippo thường được cánh mày râu đến săn lùng. Đây là một trong những món hàng bán chạy nhất tại khu chợ.

Những tờ tiền giấy thời xưa cũng được nhiều người săn đón, nhất là những bạn trẻ mua về làm kỷ niệm.

Ông Thành, chủ gian hàng 9 năm chuyên bán đồng xu cũ và bật lửa zippo cho biết, để có một chỗ trưng bày và bán hàng, người bán phải đến từ sớm, tự tìm chỗ thích hợp nhưng không mất một khoản phí nào.

Đồ cổ ở đây chủ yếu mua lại từ gia quyến của những nhà sưu tầm quá cố, Việt kiều bên nước ngoài hoặc lấy từ các mối do khách quen giới thiệu. "Hàng hóa phải được minh bạch về xuất xứ, nguồn gốc cũng như giá cả. Nếu người bán cố tình làm sai, bị phát hiện sẽ không được bán trong những phiên chợ kế tiếp", ông Thành cho hay.

Minh Tâm