Duan Zihand, phóng viên Sina, phản ánh tình trạng khó khăn của các tiểu thương ở Hoa Cường Bắc (Thâm Quyến) sau thời gian dài ngừng bán vì Covid-19.
"Tôi đang ở ngã tư đường Zhenzhong, anh đang ở đâu?", tôi nói qua điện thoại.
"Đợt chút, tôi sẽ đến đó ngay", Zhao Ge, chủ gian hàng Anh em nhà Zhao ở Hoa Cường Bắc trả lời.
"Tôi mặc áo khoác xám. Ông mặc đồ gì?", tôi hỏi.
Cuộc đối thoại trên của mô tả chân thực cách duy trì hoạt động của các tiểu thương ở Hoa Cường Bắc những ngày gần đây. Hoa Cường Bắc, ở Thâm Quyến, Quảng Đông, là khu chợ điện tử lớn nhất châu Á và một trong những "thiên đường" mua sắm thiết bị công nghệ.
Các tiểu thương thiết lập 100 quầy lưu động trên phố thay vì ngồi tại gian hàng trong chợ Hoa Cường Bắc. Ảnh: Xinhua. |
Trong tháng 2, ban quản lý Hoa Cường Bắc nhiều lần trì hoãn mở cửa vì Covid-19. Trong thời gian nghỉ bán, các chủ gian hàng có thể ra vào khu chợ để thu gom và trao đổi hàng hóa ở mức hạn chế. Các tiểu thương đặt quầy lưu động ngay giữa đường và phần lớn giao dịch với khách theo hình thức "phi tiếp xúc". Dù hoạt động trở lại đầu tháng 3, khu chợ này chưa thể khôi phục hoạt động nhộn nhịp như trước.
Tôi đến Hoa Cường Bắc hôm 5/3 để gặp Zhao Ge. Tất cả lối vào khu chợ đều có biển cảnh báo và trạm kiểm dịch. Để vào bên trong, mọi người đều phải đo thân nhiệt và xuất trình thẻ căn cước.
"Tôi đang bị chặn ở cửa và không thể vào trong", tôi gọi cho Ge.
"Anh không được phép vào đây. Đợi một chút, tôi sẽ ngoài ngay", Ge đáp.
Sau vài phút chờ đợi, Zhao Ge xuất hiện ở cửa khu chợ. Ông cho biết, quy trình kiểm soát tại Hoa Cường Bắc hiện rất nghiêm ngặt. Về cơ bản, chỉ chủ gian hàng mới có thể ra vào. Ngay cả nhân viên chuyển phát muốn đi qua cũng phải có giấy chứng nhận. Vì vậy, ông thường tự đóng gói hàng trước khi chuyển ra ngoài.
Chủ một cửa hàng linh kiện bày các sản phẩm mẫu trong quầy lưu động trên phố. Ảnh: Xinhua. |
Theo Ge, hầu hết gian hàng chưa mở cửa. Dù người Trung Quốc đã ra đường mua sắm nhiều hơn, gian hàng trong chợ vẫn không có khách. Do đó, các tiểu thương đang cân nhắc tiếp tục bày bán tại quầy lưu động trên phố. "Dân buôn và khách lẻ có thể nhanh chóng tìm thấy quầy lưu động và dễ dàng thương lượng giá. Nếu họ đồng ý mua, tôi sẽ quay vào chợ lấy hàng", ông nói
Đối với ông, Hoa Cường Bắc mở cửa là cơ hội có thêm khách hàng mới, dù người ra vào chợ vẫn bị kiểm soát chặt. "Điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Rốt cuộc, an toàn vẫn là trên hết. Còn sức khỏe là còn có thể kiếm tiền", Ge cho hay.
Kể từ 3/3, lượng người lui tới con phố ở Hoa Cường Bắc đã tăng dần, giúp các tiểu thương cải thiện tình hình kinh doanh. "Vài ngày trước chỉ có nhân viên chuyển phát và bốc vác trên phố. Hôm nay đã xuất hiện người đi mua sắm và hỏi giá điện thoại", Ge nói thêm.
Ge kể, nhiều tiểu thương suy sụp khi bản quản lý liên tục thông báo lùi ngày mở cửa. Ông đã thiết lập quầy lưu động trên phố từ hai tuần trước nhưng gần như chẳng ai đến mua. Ngoại trừ việc kinh doanh tồi tệ, nỗi lo lớn nhất là chi phí thuê mặt bằng. Một gian hàng tại Hoa Cường Bắc có giá hàng chục nghìn nhân dân tệ mỗi tháng.
Ban quản lý khu chợ áp dụng chính sách miễn tiền thuê 15 ngày để giúp tiểu thương vượt qua thời kỳ khó khăn. "Đây là động lực để các chủ gian hàng bắt đầu hoạt động trở lại, nhưng một số quyết định đóng cửa chờ thanh lý", Ge chỉ vào các gian hàng xung quanh và nói.
Hiện tại, gian hàng "Anh em nhà Zhao" còn hai nhân viên khác. Tất cả công việc giao nhận thuộc về anh trai của Ge, trong khi người yêu của Ge chịu trách nhiệm kiểm kê tiền và hàng tồn kho. "Chúng tôi cần phải làm việc hết sức để giải phóng hàng tồn kho, rồi lên kế hoạch mới", Ge cho biết.
Đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến
"Những năm trước, tôi bán rất nhiều smartphone, máy tính bảng và các loại thiết bị di động khác. Tôi đã nghĩ doanh số sẽ tốt hơn trong năm nay", Xiao Wu, chủ một gian hàng bán đồ điện tử cũ ở Hoa Cường Bắc nói khi đang ngồi trong quầy lưu động giữa đường Huaqiang North.
Giống như Ge, Wu không quay lại gian hàng vào ngày đầu Hoa Cường Bắc mở cửa. "Do không có khách mua tại cửa hàng, nhu cầu của các đối tác đột ngột giảm và lượng hàng tồn kho lớn, tôi chỉ có thể dựa vào doanh thu trực tuyến", Wi cho biết. "Tôi từng coi thường những người bán hàng trực tuyến và giờ đây tôi là một trong số họ. Thật đáng mỉa mai".
Theo Wu, ông đã cố gắng duy trì mối quan hệ với đối tác cũ để có thêm khách mới. "Mọi người trong ngành đang giúp đỡ nhau. Khi giao dịch thành công, tôi sẽ chuyển cho đối tác cũ chút hoa hồng để cảm ơn họ". Wu tiết lộ.
Dù gian hàng trực tuyến được sự quan tâm của khách hàng ở trong và ngoài Trung Quốc, Wu vẫn cảm nhận được sức ép từ số lượng lớn hàng tồn kho. "Trước dây, doanh thu bán lẻ mỗi ngày của tôi từ 6.000 đến 7.000 nhân dân tệ. Bây giờ, tôi chỉ kiếm được từ 1.000 đến 2.000 nhân dân tệ qua kênh online".
Chủ các gian hàng ở Hoa Cường Bắc cố gắng giải phóng hàng tồn kho qua kênh buôn bán trực tuyến. Ảnh: Xinhua. |
Wu hiện còn trong kho hơn 100 smartphone cũ, gần 100 máy chơi game cổ điển và hơn 30 máy tính bảng. Tuy nhiên, ông vẫn thấy may mắn hơn những doanh nghiệp lớn. "Một số cửa hàng bán buôn ở khu Hoa Cường Bắc còn hàng chục nghìn thiết bị không thể bán. Đó là áp lực không thể tưởng tượng được", Wu nhận xét.
Các gian hàng tại Hoa Cường Bắc đều giảm giá sản phẩm từ 2 đến 5%. "Họ muốn xả hàng tồn để thanh toán phí mặt bằng", Wu giải thích. "Tình trạng vay mượn giữa đồng nghiệp cũng thường xuyên diễn ra. Để trả tiền thuê, mọi người không từ bỏ bất kỳ khoản sinh lợi nào".
Trong một cuộc trò chuyện, đồng nghiệp của Wu yêu cầu ông chuyển cho vài chiếc máy tính bảng cũ. "Mọi người gần đây rất hạn chế nhập hàng. Kể cả khi khách có nhu cầu đặt mua số lượng lớn, họ cũng ưu tiên mượn hàng của đồng nghiệp. Lý do bởi họ không muốn xử lý hàng tồn, chấp nhận kiếm lời ít hơn để giảm thiểu rủi ro", Wu nói thêm.
Ngoài các gian hàng điện thoại, nhiều gian hàng sửa chữa và cung cấp linh kiện thay thế cũng bận rộn với công việc kinh doanh trực tuyến. Nhiều doanh nghiệp từng xuất khẩu linh kiện và phụ kiện khắp Đông Nam Á, giờ đang tích cực hoạt động trên các sàn thương mại điện tử trong nước như Taobao, Xianyu hay Youzan.
Bên cạnh đó, giải phóng hàng tồn giúp các tiểu thương thu hồi vốn để chuẩn bị cho thế hệ smartphone mới, hỗ trợ kết nối 5G.
Trông chờ sự ổn định
"Thông thường, khoảng thời gian này là thời điểm các cửa hàng chuẩn bị nhập các mẫu smartphone 5G mới ra mắt của mỗi thương hiệu", Wu nói trên đường tới khu vực giao nhận hàng trên phố Hoa Cường Bắc. "Nhưng hiện tại, tiền mặt vẫn quan trọng nhất. Tôi chưa có kế hoạch nhập các mẫu smartphone ra năm 2020 vì muốn theo dõi sự phục hồi của thị trường".
Wu đã bán được khoảng 30% lượng smartphone tồn kho qua các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Tương tự Wu, nhiều cửa hàng lớn ở Hoa Cường Bắc cũng nỗ lực xả hàng và chưa có can đảm để nhập các thiết bị đời mới.
Fei Min, chủ một gian hàng khác, nói sẽ cân nhắc nhập một số mẫu smartphone 5G vào tháng tới, nhưng vẫn ưu tiên sản phẩm trung cấp và bình dân thay vì flagship. "Thị trường đang trên đà phục hồi, nhu cầu cho sản phẩm trung cấp và bình dân sẽ tăng trở lại. Tôi có cảm giác, smartphone cao cấp không thể bán tốt trong nửa đầu năm nay", Min nhận xét.
Sản phẩm được quan tâm nhất tại gian hàng của Min là Xiaomi Note 9, Xiaomi CC9 và các smartphone giá dưới 1.000 nhân dân tệ (3,3 triệu đồng). Còn flagship chủ yếu bán dưới dạng trả góp. "Người dùng cũng bối rối như chúng tôi và muốn chờ thị trường ổn định. Điều này sẽ ảnh hưởng tới doanh số smartphone cao cấp", Min giải thích.
Trước đây, smartphone mới ra mắt của các thương hiệu lớn thường bán rất chạy tại Hoa Cường Bắc, nhưng điều này khó xảy ra trong vài tháng tới. Việc người dùng bắt đầu quay lại mua sắm không thể làm vơi nỗi lo của các tiểu thương. "Nếu tiền thuê mặt bằng có thể giảm thêm hai tháng nữa thì thật tuyệt. Chúng tôi sẽ đỡ áp lực hơn và có thể thử kinh doanh thiết bị 5G", Min nói.
Việt Anh (theo Sina)