Thứ tư, 11/12/2024
Thứ sáu, 18/2/2022, 07:00 (GMT+7)

Chở đất từ quê lên phố làm vườn sân thượng

Hải PhòngSau lần đầu trồng rau sân thượng thất bại, chị Tuyết, 45 tuổi, làm lại hệ thống chống thấm, nhờ chồng về quê chở đất ải từ ruộng lên làm vườn.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Vĩnh Bảo nên chị Phạm Thị Tuyết, giáo viên THPT rất thích trồng trọt. Năm 2018 xây nhà mới, chị đề nghị chồng cho làm một giàn trồng cà chua trên sân thượng.

Được ủng hộ, chị vợ bàn với chồng đầu tư thêm tiền làm cầu thang sắt, lan can, sắm thêm chậu trồng rau sạch. Hai vợ chồng dành một tuần kéo trăm bao đất lên sân thượng tầng ba, rộng 50 m2 bắt đầu "sự nghiệp nông dân sân thượng".

Chị Tuyết đặt thợ làm kệ, mua thêm chậu, dự định biến sân thượng thành một mảng xanh trên không. Tuy nhiên, lần đầu chủ vườn đã thất bại do không có kinh nghiệm làm đất, tưới cây. "Trời hay mưa mà tôi vẫn chăm tưới. Rau không lớn, chỉ thấy sâu, rệp nhiều", chị nhớ lại.

Đọc và tìm hiểu thông tin trên mạng, chị biết cách trộn đất trồng rau, tưới nước đủ liều lượng. Biết đất đã phơi ải (đất đã được cày lên, lật thành luống, phơi khô nhiều tháng) ở quê tốt cho trồng trọt, chị nhờ chồng đánh xe về lấy.

"Vì trồng bằng đất ải nên tôi chỉ việc trộn trấu và phân trồng luôn. Hết một vụ đầu tôi mới phải xử lý mầm bệnh", chị cho biết.

Trồng được một thời gian trần bị ngấm làm nước dột xuống nhà. Anh chị phải vận chuyển đất xuống dưới. Khi đã làm chống thấm cẩn thận, lát gạch sạch sẽ, vợ chồng lại hì hụi dùng ròng rọc kéo đất và chậu lên tiếp tục trồng rau.

Một bên vườn chị đặt kệ bốn tầng, kê gần trăm chậu nhựa, hơn chục tháp trồng rau để tận dụng triệt để không gian sân thượng. Xung quanh là giàn đứng trồng đỗ, dưa. Hai đầu sân thượng là hai giàn ngang trồng bầu, bí, mướp, cà chua bạch tuộc.

Trên vườn đủ loại rau xanh. Mùa hè có mướp, các loại dưa, rau đay, mồng tơi, rau muống. Mùa thu đông có xà lách, xu hào, bắp cải, cà chua, các loại rau cải.

"Lần đầu ăn rau nhà mình tự trồng được hạnh phúc vô cùng. Cảm nhận rõ vị ngon ngọt của rau và quan trọng là yên tâm vì rau sạch. Lúc đó mới thấy công sức cả nhà bỏ ra là xứng đáng", chị nói.

Chủ vườn chia sẻ kinh nghiệm, để trồng được rau, sân thượng phải có nắng ít nhất nửa ngày. Ngoài ra, phòng trừ sâu bệnh là khâu rất quan trọng. Trước kia, chị từng vườn bỏ vài tháng liền không trồng gì vì rệp, sâu, sinh sôi, bám đầy lá. Sau đó, chị làm dung dịch từ thuốc lào, tỏi, ớt, gừng, giấm gỗ... phun luân phiên một tuần một lần.

Chị Tuyết và các con thổi bóng treo trên vườn để đuổi sâu chim ăn quả chín, vừa làm đẹp cho khu vườn.

Thích cà chua nên chị Tuyết trồng nhiều loại và trồng gối để có cà ăn quanh năm. Trước khi trồng, chị ủ đất với phân, tro, trấu, xơ dừa, bột đậu tương và vôi để diệt mầm bệnh.

Khi chăm, giai đoạn đầu chỉ tưới nước, khi ra hoa, đậu quả cần bón phân gà, bò, trùn quế 10 ngày một lần, 2-3 ngày tưới phân cá, trứng, sữa, chuối,... và phun thuốc trừ sâu sinh học tự làm.

Dịp Tết, chị Tuyết trồng thêm hoa, trang trí và chụp ảnh. Đêm giao thừa, cả nhà lên uống nước, tâm sự và ngắm pháo hoa.

"Không chỉ được ăn rau ngon, rau sạch, gia đình còn gắn kết hơn. Tôi cũng có thêm những người bạn mới từ khắp mọi miền đất nước chung đam mê. Trồng rau, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa thêm niềm vui sống mỗi này", nữ giáo viên nói về lợi ích của vườn sân thượng.

Phạm Nga
Ảnh nhân vật cung cấp