Anh Cao Mạnh Tuấn, sống ở Hà Nội, là người hỗ trợ cho sự kiện Lễ hội Dù lượn Nha Trang, diễn ra từ ngày 1 đến 3/7. Kết hợp công việc, anh cho con trai là Cao Mạnh Dũng, sinh năm 2015, đi nghỉ hè một tuần. Với anh, Nha Trang là nơi có nhiều loại hình hoạt động con thích, phù hợp để xả hơi sau một năm học vất vả. "Khi trở lại thành phố, con sẽ có năng lượng mới từ các trải nghiệm như lặn biển, bay dù, leo núi... Cháu cũng sẽ được gặp nhiều người để giao tiếp, hiểu hơn về tinh thần đồng đội trong các môn thể thao này", anh Tuấn nói.
Trong số đó, mới lạ và mạo hiểm nhất có lẽ là trải nghiệm bay dù lượn có động cơ (paramotor). Đây là bộ môn ra đời từ khá lâu, song thời gian gần đây mới bắt đầu phổ biến ở một số tỉnh thành như Quảng Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang... phát triển nhất ở khu vực TP HCM. Dạng dù lượn này thường được dùng trong khảo sát, bay tập huấn, biểu diễn tại các lễ hội.
Trải nghiệm của Mạnh Dũng có giá 2,5 triệu đồng một lượt, bay khoảng 20 phút. Dù sẽ cất và hạ cánh tại quảng trường Thanh Niên, sau khi bay và ngắm cảnh tháp Trầm Hương, vịnh Nha Trang... "Bản thân tôi đã trải nghiệm dù lượn cả loại thông thường (bay từ trên núi xuống) và loại có động cơ ở nhiều nơi tại Việt Nam. Tôi đánh giá đây là trải nghiệm mạo hiểm nhưng an toàn nếu tuân thủ các quy định. Bay dù lượn là một cảm nhận hoàn toàn khác so với các trải nghiệm trên đất liền và dưới nước. Đó là sự tự do giữa không gian bao la, vượt qua ngưỡng hạn hẹp của bản thân. Bạn nên thử để thấy rằng, nó không đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ", anh Tuấn cho biết.
Hiểu con trai mình, anh Tuấn cho biết Dũng khi được chơi trò cảm giác mạnh thường hay phấn khích. Lần này, do được dặn trước phải tuân thủ các nguyên tắc an toàn bay, cháu khá điềm đạm và thực hiện tốt, không làm phiền phi công. "Được bay lên cao, cháu được nhìn mọi thứ nhỏ bé bên dưới, thật tuyệt và lạ. Một ngày nào đó cháu sẽ thử bay tiếp", Dũng nói. Anh Tuấn tự hào về con trai khi cháu không thấy sợ dù không có bố bên cạnh. Sau khi hạ cánh, Dũng vẫn bình tĩnh, không bị quá phấn khích.
Anh Tuấn cũng chia sẻ, với các bé, ngoài việc được ổn định tâm lý, cũng cần đảm bảo cơ bản về độ tuổi, thể hình phát triển bình thường. Trẻ 6-7 tuổi có thể bay được. Về mặt tâm lý, các cháu không được quá kích động, vì khi đã lên không trung rất khó kiểm soát. Bố mẹ phải cho biết chính xác về các vấn đề tâm lý, sức khỏe của con. Điều nữa là con phải thể hiện có tương tác, phối hợp với phi công. "Từ hồi 4 tuổi, Dũng đã được chứng kiến mẹ cháu bay dù lượn và các video bố bay cùng các bác nên cơ bản quen với loại hình này. Chỉ khi cháu thực sự đồng ý, thích, thậm chí mong chờ được bay, tôi mới cho phép. Sau khi bay, Dũng có vẻ khá xúc động vì thích".
Anh Tuấn nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ bạn bè, người thân và cả người lạ về việc cho con đi chơi nhiều, trải nghiệm các trò mạo hiểm. Song, anh vẫn cho con đi vì "không ai hiểu con bằng chính bố mẹ". "Quan trọng nhất phải biết giới hạn con tới đâu, có thể xử lý sự việc đến mức nào. Dù cho cháu chơi hay làm gì, tôi vẫn có những khoảng cách an toàn nhất định. Tôi theo dõi con từ bé, có thể hiểu lúc nào cháu sẵn sàng cho hoạt động gì. Ví dụ đi lặn biển, tôi hiểu cháu sợ độ sâu nên ban đầu bên cạnh để cháu thấy an toàn. Sau đó dần dần mới để cháu tự bơi, lặn ngụp, còn tôi chỉ ở một khoảng đủ an toàn. Riêng dù lượn, tôi không thể bên cạnh nên đến thời điểm này, khi tôi biết cháu đã kiểm soát tốt hơn mới khuyến khích cháu thử", anh Tuấn cho hay.
Theo anh Tuấn, bố mẹ hiểu con là một phần, một phần khác là đủ tự tin, sẵn sàng cho con trải nghiệm. Câu hỏi anh đặt ra là "Bố mẹ có dám bước qua một ngưỡng mà mình tự tạo ra không?". Cá nhân anh Tuấn không nghĩ con phải thế này, thế khác. Anh chỉ nghĩ con có thể làm điều đó vì đang hào hứng và kiểm soát được. Anh cũng tin tưởng cả những người quen để giao phó con mình cho họ.
Trung Nghĩa
Ảnh, video: NVCC