Tuổi của các con bây giờ là học và chơi nhưng nếu con không hiểu được tiền từ đâu mà có và nó được sử dụng như thế nào thì con rất dễ đòi hỏi những món đồ vô nghĩa theo sở thích của mình. Anh Tuấn hay tên gọi ở nhà của con là Bo, là em bé rất tọc mạch, hay tò mò và đặt rất nhiều câu hỏi về mọi thứ xung quanh.
Tôi có một shop mỹ phẩm ngay tại nhà. Hai lần mỗi tuần, tôi thường nhập hàng mới về và bày lên kệ. Mỗi lần thấy mẹ bày đồ lên, Bo hay ra giúp mẹ. Con đã lớn, năm nay cũng gần 10 tuổi rồi nên có thể phụ mẹ sắp xếp đồ rất chỉn chu, chỉ cần mẹ "chỉ đạo" một chút là cậu làm đâu vào đấy. Cứ thế thành quen, rồi tôi nghĩ nên quy thành công việc cố định cho cậu - việc giúp mẹ dọn hàng hai lần mỗi tuần. Mỗi lần phụ mẹ làm, là hai mẹ con rôm rả từ đầu tới cuối buổi.

Bé Bo - Nguyễn Anh Tuấn thường xuyên phụ mẹ xếp đồ lên kệ.
Cầm một sản phẩm trên tay, Bo hay thắc mắc: Đây là sản phẩm gì? Dùng như thế nào? Bao nhiêu tiền một món ạ?... Tôi rất sẵn lòng trả lời con, vì mỗi lần như thế, tự tôi cũng nhẩm lại được sản phẩm của mình. Bo phụ mẹ sắp xếp đồ lên kệ. Một kệ là sản phẩm sữa rửa mặt; một kệ là sản phẩm skincare (dưỡng da); kệ nữa là đồ make-up (trang điểm). Mỗi dòng sản phẩm sẽ có nhiều thương hiệu khác nhau và mỗi loại một giá.
Bo hay thắc mắc: "Mẹ ơi, sao cùng là sữa rửa mặt mà giá lại khác nhau?". Tôi trả lời con: "Vì của các thương hiệu khác nhau. Mỗi thương hiệu sẽ có một công thức riêng và tùy vào từng công thức, nguyên vật liệu làm ra sản phẩm sẽ có giá trị khác nhau, nên giá bán ra sẽ phụ thuộc vào giá nguyên vật liệu mà có giá bán khác nhau". Bo lại tiếp tục hỏi: "Thế mẹ bán thì mẹ được bao nhiêu tiền" (ý của cậu là mẹ lời lãi thế nào). Tôi nói: "Mẹ nhập giá sỉ (giá gốc từ công ty) và bán giá lẻ (bán cho người tiêu dùng trực tiếp), thì mẹ sẽ lãi từ 100.000 đến 150.000 đồng trên sản phẩm, tùy món mẹ sẽ có công thức tính lời riêng con". Tự nhiên mắt cậu sáng ra, chắc nghe số 100.000, 150.000 đồng thấy nhiều. Với cậu bé gần 10 tuổi thì chắc chắn đây là số tiền lớn rồi.
"Mẹ sẽ làm gì với tiền lãi đó?" - Câu hỏi hay đây. Tôi trả lời: "Sau 2 tuần bán, mẹ sẽ tổng kết lại tiền lãi xem được bao nhiêu. Sau đó, mẹ sẽ chia ra theo: 30% mẹ dùng để lấy hàng bán tiếp (đây là đầu tư để tiếp tục sinh lời); 50% mẹ cần dùng để chi tiêu sinh hoạt gia đình, con nghĩ cơm con ăn từ đâu mà có này? Và 20% còn lại mẹ sẽ bỏ vào tiết kiệm". Bo có vẻ trầm ngâm, làm bộ như đang suy nghĩ "Vậy mẹ dùng hết tiền rồi?". Nhìn vẻ mặt con, tôi thường hay mắc cười, chắc con nghĩ người lớn có tiền sẽ bỏ heo tiết kiệm như cách con đang làm nên sau khi thấy mẹ nói phân chia hết tiền thì rất băn khoăn.
Tôi thường không để con nghĩ quá lâu, tôi xen ngang để giải thích cho con hiểu tiền có một vòng đời được lặp đi lặp lại chứ không ngồi yên trong heo hay sổ tiết kiệm. Con sẽ phải lao động chân tay hoặc trí óc để kiếm tiền. Sau đó, con phải mang tiền để tiếp tục đầu tư sinh lời, giúp con có nhiều tiền hơn. Con cần dành một phần cho chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, cho các hoạt động vui chơi hoặc mua sách vở học tập...mọi thứ đều được mua bằng tiền. Tiền thực tế là chỉ đi từ "ví này sang ví khác" chứ không tự sinh ra và mất đi được. Ngoài ra, để phòng cho những lúc đau bệnh hay có công chuyện lớn hơn thì mình cần tiết kiệm một khoản, thường là 10% - 30% số tiền làm ra. Đây là khoản dự trữ đảm bảo con có thể dùng trong các điều kiện khẩn cấp hoặc cho mục tiêu lâu dài.

Bé Bo còn dạy em học bài khi cha mẹ bận việc.
Công việc phụ mẹ xếp hàng lên kệ không vất vả so với tuổi của con. Ngoài ra, đó là cơ hội để tôi có thể cùng con hiểu thêm về đồng tiền. Với tư duy còn rất non nớt của trẻ nhỏ, tôi không kỳ vọng quá nhiều, chỉ mong con hiểu được giá trị của tiền và có cách sử dụng hợp lý hơn. "50.000 đồng cho mỗi lần phụ mẹ xếp đồ, đây là phần thưởng cho tinh thần trách nhiệm của con nhé Bo. Vậy con dùng 50.000 này để làm gì?". Thường Bo sẽ yên lặng một lúc: "Con sẽ bỏ heo để tiết kiệm"; "Lần này con dùng 50.000 đồng để mua sách được không mẹ?"... Đa phần là con bỏ tiền vào tiết kiệm vì đang nghỉ hè nên con cũng không cần dùng gì nhiều. Nhưng vì thích đọc truyện nên thi thoảng, con xin phần tiền đó để mua, không dùng hoang phí.
Gần đây nhất, thấy Bo sau khi nhận tiền từ mẹ thì lại gửi lại mẹ, con nói: "Để mẹ ủng hộ quỹ vaccine". Chẳng là dịch bệnh đang căng thẳng, mỗi ngày xem thời sự, con đều thấy kêu gọi đóng góp vào quỹ vaccine để mua vaccine cho mọi người. "Con biết vaccine để làm gì không?", tôi hỏi. "Để phòng bệnh dịch mà mẹ, mẹ vẫn cho con đi chích vaccine đó thôi. Con muốn hết dịch để được đi học", Bo trả lời. Đúng là vì dịch mà hai năm nay việc học của các con bị gián đoạn. Nhưng tôi thấy vui vì con đã biết đóng góp vì mục đích chung. "Vậy mẹ cũng đóng 500.000 đồng vào quỹ nhé Bo" - "Dạ mẹ!".
Bo vẫn hay phụ mẹ làm thêm các việc nhà, chỉ em học bài. Đồng hành cùng con cũng là cách tôi lựa chọn để chỉ dạy con. Vì tuổi nhỏ, có nhiều kiến thức mà cha mẹ muốn dạy nhưng vì ham chơi hoặc chưa phù hợp độ tuổi, các con chưa thể tiếp thu hết. Nhưng khả năng quan sát của các bé rất cao, các con có thể tự ghi nhớ và làm theo hành động của cha mẹ. Tôi luôn cố gắng làm cùng con hoặc làm trước mặt con để con nhìn và tự có bài học. Tôi nhận thấy không cần phải là phụ huynh thông thái mới có thể dạy con về tiền bằng các hoạt động sáng tạo. Ngay từ các công việc đơn giản hàng ngày, nếu để tâm một chút, cha mẹ vẫn có thể cùng con học về tiền và các kiến thức khác bổ ích nhé. Chỉ cần đầu tư thời gian với con và thêm sự kiên nhẫn thì các cha mẹ sẽ cùng con tiến bộ.
Lê Tâm Tình
Prudential và VnExpress phối hợp tổ chức cuộc thi "Chaching - Bé giỏi tiền hay" từ ngày 9/6 đến 7/7. Cuộc thi không chỉ giúp cha mẹ và con cái cùng nhau học thêm cách quản lý tiền mà còn là một cơ hội giúp cả nhà gắn kết hơn cũng như nhận phần thưởng bằng tiền mặt hấp dẫn. Trong đó, cơ cấu giải thưởng bao gồm: một giải Nhất trị giá 10 triệu đồng; hai giải Nhì, mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 5 giải Ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 5 giải Yêu thích thông qua bình chọn của độc giả, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng. Ngoài ra, 20 bài dự thi có chất lượng tốt nhất được chọn vào chung khảo sẽ nhận 500.000 đồng và một con heo đất của Prudential.
Xem chi tiết thể lê cuộc thi tại đây.
Gửi bài dự thi tại đây