Khoảng gần một năm nay, ngoài học chính khoá ở trường, Bảo Minh học lập trình một buổi mỗi tuần vào tối chủ nhật ở một trung tâm trên phố Trung Hoà, quận Cầu Giấy. Không phải những đoạn mã dài chi chít, khô khan mà cậu bé được tiếp cận những khái niệm cơ bản về lập trình qua những khối lệnh kéo thả, thao tác dễ với những nhân vật trực quan ngộ nghĩnh.
Học rồi thích thú, mỗi ngày cậu bé dành hơn một tiếng để lập trình các trò chơi. Bảo Minh từng phát triển dự án đá bóng, trong đó người chơi sẽ nhập vai hai cầu thủ thần tượng Cristiano Ronaldo và Lionel Messi, có nhiệm vụ vừa ghi bàn vừa cản phá đối thủ. Sáng tạo của Bảo Minh khiến cả nhà bất ngờ.
Chị Phương Nhung, mẹ của Bảo Minh, làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đã dành thêm thời gian gợi ý hướng dẫn, động viên con phát triển các ý tưởng.
Chị Nguyễn Phước Huyền Anh, mẹ bé Hà Ngọc Cao Minh, 10 tuổi, học sinh trường Quốc tế Pháp Marguerite Duras (Thủ Đức, TP HCM), cho biết thời điểm dịch Covid-19 năm 2020, chị bắt đầu cho con tiếp cận lập trình qua các lớp học của STEAM for Vietnam - dự án dạy lập trình miễn phí của các kỹ sư người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Đến nay, bé đã học được ba khoá và sắp tới sẽ học khoá robot. Ban đầu chị thường quan sát, hỏi con có câu lệnh nào chưa hiểu để kèm cặp. Hiện, con đã bắt đầu hiểu về tư duy máy tính và lập trình cơ bản.
Chị Huyền Anh nhận thấy con trai kiên trì, tỉ mỉ và thể hiện tư duy logic hơn sau một thời gian tìm đến lập trình. "Chỉ một lỗi nhỏ sẽ khiến chương trình Scratch 3.0 chạy sai nên con phải tập trung cẩn thận, không vội vàng", Cao Minh nói.
Hiện, nhiều trung tâm, lớp lập trình cho trẻ em được mở, phổ biến nhất ở Hà Nội và TP HCM với học phí 130.000-450.000 đồng một buổi, 5-8,5 triệu đồng một khoá 2-5 tháng và tăng trưởng không ngừng.
Anh Kiều Mạnh Tiến, Giám đốc điều hành, đồng sáng lập Học viện sáng tạo công nghệ Teky, một trong những nơi dạy lập trình cho trẻ em từ 5-18 tuổi tại một số tỉnh thành, cho biết số học sinh trưởng khoảng 40% mỗi năm. Sau vài năm thành lập, Học viện đã dạy lập trình và công nghệ cho hơn 50.000 học sinh, về các lĩnh vực: Lập trình và phát triển ứng dụng; Robot và điện tử tự động; 3D và truyền thông đa phương tiện, qua các hình thức học online (trực tuyến), offline (trực tiếp) và Omo (Online và livestream trên nền tảng ClassIn).
"Đa số học sinh của trung tâm ở độ tuổi lớp 3, lớp 4. Tuy nhiên, ngày càng nhiều phụ huynh cho con học lập trình sớm, từ năm lớp 2", chị Nguyễn Huyền, Giám đốc Trung tâm dạy lập trình Mind Hub, cho biết. Theo chị, trẻ em từ 5-6 tuổi có thể bắt đầu học lập trình với Robotics, rồi học Scratch từ 7 tuổi.
Scratch là ngôn ngữ lập trình phổ biến được dạy cho trẻ em hiện nay. Theo nghiên cứu dữ liệu của MIT Media Lab, đến tháng 11 năm nay, gần 561.000 trẻ em Việt Nam tham gia lập trìnhh Scratch, chiếm 0,59% toàn cầu.
Tiến sĩ Trần Việt Hùng, CEO Got It, nhà sáng lập STEAM for Vietnam, cho biết độ tuổi học lập trình ổn nhất là "sau khi biết cộng, trừ". STEAM for Vietnam bắt đầu lớp đầu tiên cho học viên từ 8 tuổi, khi các em bắt đầu thạo tính toán đơn giản và thể hiện tư duy logic. Các em được học online trực tiếp từ hơn 140 tình nguyện viên là các chuyên gia, kỹ sư máy tính làm việc tại Google, Facebook, Amazon, Microsoft và nhiều công ty công nghệ lớn khác.
Số trẻ em tham gia dự án tăng trưởng liên tục, đạt 35.000 học sinh, 9 triệu phút học trực tuyến và 100.000 dự án lập trình, tính từ khi thành lập hồi tháng 5/2020 đến nay.
Từ năm học này, Tin học là môn học bắt buộc từ lớp 3 ở Việt Nam. Ở lớp 3, các em làm quen với máy tính và mạng internet, cách tổ chức, lưu trữ thông tin và cách sử dụng chuột, làm bài trình chiếu đơn giản. Các chuyên gia đánh giá đây là bước tiến lớn, góp phần trang bị, nâng cao kỹ năng số cho học sinh.
Trên thế giới, việc dạy lập trình sớm cho trẻ rất phổ biến. Thạc sĩ Nguyễn Song Hà, kỹ sư phần mềm tại Code.org, tổ chức giáo dục phi lợi nhuận về khoa học máy tính tại Seattle, Mỹ, cho hay trẻ em ở Mỹ được làm quen với lập trình từ sớm (thông thường khoảng 6 tuổi) qua các nỗ lực của hệ thống giáo dục liên bang và địa phương. Điều thú vị là trẻ em Mỹ được dạy sử dụng lập trình như một hình thức để thể hiện suy nghĩ của bản thân, giống như tập vẽ hay kể chuyện, vì thế học lập trình luôn sinh động và sáng tạo. Các em lập trình điều khiển các nhân vật quen thuộc như trong Minecraft, Star Wars, Frozen của Disney, hay Flappy bird nổi tiếng một thời của Nguyễn Hà Đông.
Chính phủ liên bang và tiểu bang tại Mỹ có các chính sách và các hỗ trợ tài chính để đưa lập trình thành môn học chính thức. Một số nơi đã bắt đầu đưa Lập trình và Khoa học máy tính vào tiêu chuẩn để tốt nghiệp.
Phụ huynh Mỹ cũng tự tổ chức các giờ lập trình cho con cái và các bạn ở nhà hoặc ở thư viện công cộng. "Học lập trình trở thành một hình thức kể chuyện và chia sẻ cùng nhau", anh Hà nói và cho rằng, đó là lý do giúp rất nhiều trẻ em Mỹ được học lập trình một cách có hệ thống trong trường từ cấp một, con số này ngày càng tăng nhanh.
Anh Lương Thế Vinh, Giám đốc Sản phẩm Trí tuệ nhân tạo tại công ty khởi nghiệp công nghệ AI Aitomatic ở Thung lũng Silicon, Mỹ, đánh giá việc trẻ em Việt hiện nay đã và đang được phụ huynh quan tâm, định hướng tiếp cận kỹ năng lập trình máy tính từ khi nhỏ tuổi nhất định là một xu hướng tích cực, đáng mừng, bắt nhịp xu hướng thế giới.
Anh nhận định, dựa vào công nghệ, những trẻ em Việt sinh ra từ khoảng 2020 có cơ hội lớn tới năm 2045 trở thành những thanh niên có năng suất cao hơn thế hệ hiện nay nhiều lần.
Theo chuyên gia này, lập trình là một trong những phương thức dễ dàng nhất giúp trẻ em phát triển Tư duy tính toán (Computational Thinking). Đây là một phần quan trọng của nền giáo dục hiện tại ở phương Tây và việc phổ cập nó thông qua lập trình sẽ giúp nước ta đi tắt đuổi theo các nước phát triển một cách nhanh chóng hơn. Trẻ em tiếp cận được cộng đồng lập trình công nghệ từ bé, từ đó có sân chơi để cùng nhau trau dồi đam mê, hợp tác sáng tạo.
Tuy nhiên, phụ huynh nên lưu ý hỗ trợ con, nhất là với các đối tượng học lập trình từ sớm, kỹ năng sử dụng máy tính chưa thành thạo. Môn học nào dù có ích đến mấy nếu được giảng dạy không chuẩn sẽ dẫn tới những "phản ứng phụ". Cá nhân anh Vinh nhận thấy hiện tượng một số phụ huynh cho con học lập trình một cách nhồi nhét và học tập một mình, ít phối hợp với bạn bè.
Anh lý giải, cách học đó không có hiệu quả bởi công nghệ nên là một sân chơi tập thể, rất ít người dù giỏi đến mấy có thể một mình làm được gì đáng kể trong công nghệ lập trình. Nếu có cộng đồng từ sớm, lên cấp 2, cấp 3 các em có thể kết hợp lập nên những doanh nghiệp công nghệ thực tế.
"Mặt khác, công nghệ luôn thay đổi vô cùng nhanh chóng, nếu không có cộng đồng xung quanh mình, rất khó có thể nắm bắt được mình cần phải học gì, tìm hiểu gì tiếp theo", anh Vinh nói.
Anh Vũ Sơn, bố của Bảo Minh cho biết, đến với lập trình từ lớp 2, con trai vừa học vừa chơi qua các mô hình chứ không đơn thuần là học kiến thức. Anh xác định tất cả nội dung học lập trình của con không mang tính chất định hướng nghề nghiệp mà để rèn luyện tư duy logic, sáng tạo và giúp con hình dung sơ lược về công nghệ lập trình.
Hồi tháng 7/2022, Bảo Minh giành giải Bạc cuộc thi Olympic Tin học quốc tế Hong Kong - International Computational Olympiad (HKICO) 2022 vòng toàn thế giới, ở mảng lập trình Scartch cho học sinh tiểu học.
"Con từng làm nhiều trò chơi vui nhộn như cá lớn nuốt cá bé, giải mã mê cung và các nội dung liên quan đến khoa học không gian", Minh nói, cho biết muốn được bố thưởng bằng cách đưa đi mua đồ chơi.
Lệ Thu