Em mở mắt nhìn tôi - đôi mắt hiền và ngơ ngác vì không biết sao tôi lại ngồi bên cạnh em và khóc trong khi em nhớ rằng em đang ngồi trong lớp học mà…
- Chị, sao em lại ở nhà.
- Em nằm nghỉ đi, em bị ngất trên lớp học.
Tôi tạm thời nói dối em vì đây không phải là lúc nói cho em nghe sự thật kinh hoàng về những gì vừa xảy ra. Vào đúng 1h ngày hôm đó, tôi đang làm việc tại cơ quan thì nhận được điện thoại của trung tâm đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người tàn tật Võ Thị Sáu "Em Hoàng Anh ăn nói linh tinh rồi đi hết từ lớp này sang lớp khác".
Tôi tức tốc xin nghỉ và cùng bạn của tôi lên lớp em. Em đang ở đó vẫn nói nhảm linh tinh, em nói được rất trôi chảy (dù rằng thường ngày em nói lắp), em nói được cả những điều mà trước nay em chưa từng học… Trong con người em hình như có hai người đang ngự trị…
Mắt em nâu hiền từ và rất hay cười, giờ đây mắt em long lên với những kiều triết lý ông này, bà kia…
Em vẫn nhận ra chị: ơn trời, cuộc sống vẫn còn chừa đường sống! Chị lại gần em và em kéo chị lại tiếp tục nói linh tinh: "Bà này à, tượng là bà trong sáng à, không có đâu tâm hồn bà tối tăm lắm, nhiều đau khổ quá mà".
Chị giật mình với kiểu nói của em, chứng tỏ thường ngày chị xảy ra chuyện gì em vẫn hiểu, chỉ là em không nói ra mà thôi. Ai cũng nghĩ rằng em đầu óc “không bình thường” thì chẳng hiểu gì. Nào có phải vậy đâu, em có tâm tư tình cảm mà.
Một tiếng đồng hồ không có cách nào đưa em về nhà được, chị dỗ cách nào cũng không chịu. Cuối cùng chị đã lớn tiếng với em và tát vào mặt em một cái, em trai à. Chị mong làm vậy cho em sợ và tỉnh lại, nhưng chị đã sai lầm. Chính điều này đã làm cho mắt em long lên "À, bà dám đánh tôi à". Rồi em chạy lại lấy cán chổi dấm dứ. Chị biết chắc em không đánh chị đâu, nhưng bạn chị lại không biết anh giơ cánh tay của mình lên gạt ra thì đúng lúc mặt em quay vào. Em bị trúng vào miệng, máu me tuôn ra quá trời và rồi chị bất lực hơn vì em không cho ai gần mình nữa (có lẽ em sợ sẽ bị đánh đau).
Em đứng cách xa chị 3m và luôn mắt ngó xung quanh xem có ai tiến lại gần mình không? Chị đã phải xin phép phòng đào tạo cho giải tán khu vực lớp học em đang đứng và chị thì ngồi bệt dưới đất vì không thể đứng khi không có đôi nạng. Nếu chị cầm nạng thì em không cho lại gần vì em sợ đôi nạng là vũ khí sẽ làm em đau. Chị nhìn em nhổ phì phì nước bọt, cộng với máu miệng cứ tuôn ra lên tường lớp học, rớt xuống áo mà lòng nào cầm được đau xót. Em lại mắc áo pull trắng, càng làm nổi rõ những khoang máu loang lổ. Trời ơi số phận sao lại trêu ngươi chị như thế. Chị khuyết tật, em trai thì tật não đứng ở kia 1 tiếng, 2 tiếng em vẫn đứng xa chị và chửi bới tất cả mọi người. 4h45phút, chị gạt nước mắt và quay về phía em: "Em à, tại em không chịu về với chị, chị phải đi đây, đây là trường học, không ở lâu được. Thôi, chị đành bỏ em lại vậy".
Em vẫn đứng nhìn trong thế thủ…
Chị gọi bạn lại bế chị ra khỏi khu vực em đứng và lên xe máy chạy một đoạn. 5 phút, 10 phút không thấy chị đâu, em lảo đảo chạy vòng quanh trường để kiếm chị… Em sợ bị bỏ rơi. Thì ra dù em có bị mắc hội chứng tâm thần nhưng vẫn sợ bị bỏ rơi. Em vẫn khao khát những tình cảm gia đình, em cũng muốn được giao lưu với tất cả mọi người, em cũng sợ sự cô đơn.
Chị muốn dụ em ra khỏi trường học vì lỡ em có gây thương tích cho các bạn, nhưng không, em không quan tâm đến ai cả, em chỉ đang tìm kiếm người thân của mình… nhưng em lại cũng không chịu chạy ra khỏi trường học và theo chị. Kế hoạch thay đổi, chị và bạn vòng lại để đón em, em mới cho gần… 6h mới đưa được em về nhà, giỗ em ngủ… và bây giờ em mở mắt!
Em trai tôi bị viêm não Nhật Bản lúc 10 tuổi, phải uống thuốc chống động kinh hằng ngày, thần kinh em rất yếu: vui quá, buồn quá, suy nghĩ quá cũng khiến em mất ngủ và thậm chí là lên cơn động kinh khi đang ngủ. Em mới học hết lớp 9. Khi em đổ bệnh, gia đình tôi đã nghĩ rằng em chẳng làm được gì và chỉ cho em ở nhà, em chỉ quẩn quanh xó nhà như thế đã hơn 10 năm nay. Em khao khát được giao tiếp nhưng hầu hết mọi người cho em là ngớ ngẩn: “Thôi! Nó nói gì kệ nó”. Em rất thích vẽ. Tôi thấy em thật “thiệt thòi” và cố gắng mang em ra TP HCM cho em học hội họa và em đã lấy được vài chứng chỉ hội họa ở trung tâm Võ Thị Sáu.
Tôi đang phải để em ở quê tịnh dưỡng vì bản thân tôi không đảm bảo chăm sóc em được. Mẹ tôi là người luôn bên cạnh em từ khi em bị bệnh, có lẽ mẹ là người bạn thân nhất của em. Em không có bạn bè… Mẹ cũng ra đi vì bị ung thư… Không còn lên lớp học nữa, em ở nhà thích gì vẽ đó: em vẽ đàn ngựa đang chạy lên bức tường, vẽ đại bàng sải cánh… Em muốn làm họa sĩ. Bệnh tật của em có ngăn nỗi ước mơ của em, em vẫn nuôi dưỡng từng ngày bằng tự vẽ. Tôi dặn lòng mình khoảng 5 năm nữa, tôi cùng với gia đình sẽ tích góp điều kiện cần để nuôi dưỡng ước mơ của em.
Tôi chỉ mong muốn một điều thôi: gia đình nào có những người con khuyết tật và xin hãy tin tưởng vào những khả năng mà họ có. Yêu thương nhưng không có nghĩa là ôm con, hãy dành thời gian bước cùng con… Xã hội hãy mở rộng cái nhìn, xin đừng ban phát ơn mà hãy cho chúng tôi cơ hội để chứng minh khả năng và quyền bình đẳng của mình.
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Nguyễn Thị Thơm