Chiều cao 1,5m khiến Hằng luôn thấy tự ti khi đứng trước bạn bè cùng trang lứa. Thậm chí chỉ cần nghe ai nhắc đến những từ như "nấm lùn, thấp..." là cô nghĩ ngay mọi người đang nói về mình. Cũng vì muốn thoái khỏi nỗi ám ảnh đó, cô quyết định xin cha mẹ tiền đi kéo dài chân.
"Trước khi phẫu thuật, các bác sĩ tư vấn cặn kẽ rồi nhưng thực sự em không nghĩ là kéo xương chân lại đau đớn đến thế. Cứ tưởng một, hai ngày đầu thôi, ai dè, càng ngày càng thấy đau hơn. Em không muốn tiếp tục chịu đau, rồi bất tiện vì phải đeo khung, ngồi yên một chỗ suốt 3 tháng liền, nhưng trót đâm lao thì phải theo lao, không thể bỏ giữa chừng được", Hằng ngậm ngùi nói.
Không những phải chịu đau đớn, trong 2-3 tháng đầu, người bệnh không được đi lại, chỉ nên ngồi một chỗ. Ảnh: BSCC. |
Theo tiến sĩ Đỗ Tiến Dũng, Phó Chủ nhiệm khoa Chấn thương chỉnh hình tổng hợp, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, phẫu thuật kéo dài chân là một kỹ thuật phức tạp, nguy hiểm, thường được áp dụng cho những bệnh nhân có khuyết tật hoặc di chứng chấn thương ở chân. Tuy nhiên, hiện nay, ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm đến phương pháp này vì lý do thẩm mỹ như trường hợp trên.
Có người muốn kéo dài chân vì lý do nghề nghiệp, để tương xứng chiều cao với người yêu... Thậm chí, không ít trường hợp không thuộc dạng thấp nhưng vẫn mong muốn được kéo dài chân thêm chút nữa.
Kỹ thuật kéo dài xương không phải là một phương pháp mới. Tuy nhiên, nếu như trước kia, người bệnh cần phải đeo khung sắt trong hơn một năm để kéo dài 5-7 cm thì nay thời gian này đã rút ngắn đi rất nhiều.
Hiện nay, các bác sĩ đã thực hiện đóng đinh vào tủy giúp giảm thời gian mang khung ngoài cố định tới 60 - 70%. Đặc biệt, việc áp dụng kỹ thuật ghép tế bào gốc lấy từ máu tủy xương tự thân giúp tăng nhanh quá trình liền xương, người bệnh sẽ sớm trở lại với công việc, ổn định cuộc sống. Bệnh nhân chỉ mất 2-3 tháng đeo khung sắt, tiến sĩ Dũng cho biết.
Giáo sư-tiến sĩ Hoàng Văn Thuận, Chủ nhiệm Bộ môn nội Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng cho biết thêm, mỗi trường hợp có thể kéo dài xương chân 4-6 cm. Thậm chí, các bác sĩ có thể kéo dài hơn, nhưng lúc đó độ an toàn không cao. Vì như thế sẽ gây mất cân đối giữa chân với phần trên của cơ thể, trọng lượng cơ thể sẽ dồn xuống chân, có thể dẫn đến gãy xương ở những phần cưa.
"Tốt nhất chỉ nên kéo dài khoảng 5 cm. Lứa tuổi phù hợp nhất để áp dụng phương pháp này là từ 18 - 30 tuổi. Đến nay, bệnh viện đã kéo dài chân cho khoảng hơn 300 người", giáo sư Thuận nói.
Theo các chuyên gia, dù thực hiện theo phương pháp nào thì bệnh nhân khó có thể tránh khỏi những đau đớn về thể xác, khó chịu và căng thẳng về tinh thần do phải ngồi một chỗ, chưa đi lại được trong 3-4 tháng đầu.
Không những thế, để có kết quả tốt, người bệnh phải thực hiện giữ gìn vệ sinh theo đúng quy trình, kỹ thuật quy định. Khâu chăm sóc sau khi phẫu thuật rất quan trọng, đòi hỏi sự kiên trì và tỷ mẩn. Nếu không làm tốt có thể dẫn tới các biến chứng như: nhiễm khuẩn chân đinh, biến dạng các khớp lân cận do kéo căng mà bệnh nhân không tập được, bàn chân bị vênh-vẹo sau phẫu thuật...
Đồng thời, cũng cần áp dụng một chế độ ăn hàng ngày thích hợp để bù đắp canxi phục vụ quá trình tái tạo, phát triển của xương. Ngoài ra, các vết sẹo to sau phẫu thuật để lại trên chân rất khó xóa hết, chỉ có thể làm mờ bằng các biện pháp thẩm mỹ bên ngoài.
Các bác sĩ khuyến cáo, cải thiện chiều cao là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, khi muốn tiến hành ca phẫu thuật kéo dài thì mỗi người cần chuẩn bị tinh thần đối diện với quãng thời gian căng thẳng vì phải chịu đựng, phải hy sinh công việc để điều trị. Khi đã phẫu thuật, việc rút lui sẽ không kịp.
Phương Trang