SigmaK3 do Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), ĐH Quốc gia TP HCM, thiết kế, theo công nghệ TSMC 0.25 um với 5 lớp metal, có thể sử dụng cho những ứng dụng nhúng và điều khiển.
Chip vi xử lý đầu tiên "made in Vietnam". |
Chip có kích thước 14 x 14 mm2 với bề dày 1,4 mm, core 3x3 mm2, điện áp core 2.5 V, công suất tiêu thụ 51 mW, số lượng chân 100. Đây là CPU 8-bit tốc độ cao, tiêu hao năng lượng thấp, phần mềm tương thích với nhiều loại PIC công nghiệp, sử dụng kiến trúc RISC hiệu chỉnh với bus chương trình và bus dữ liệu tách rời nhau. SigmaK3 có thể truy xuất bộ nhớ chương trình một cách đồng thời.
SigmaK3 được ứng dụng trong nạp lõi IP trên kit DE2 của Altera để điều khiển quang báo và robit tự hành. Chip này đóng vai trò đơn vị xử lý trung tâm giúp quang báo có khả năng hiển thị chuỗi có chiều dài tối thiểu 8.192 ký tự, thay đổi màu xanh lá, đỏ, cam và kiểu hiển thị tĩnh và động, giúp "robot tự hành" có thể di chuyển tới, lui theo lộ trình định sẵn với các góc quay 90 độ - 180 độ. Robot này còn dò tìm đường nếu di chuyển lệch các đường định sẵn.
Một nhà khoa học đang giới thiệu "robot tự hành" dùng chip vi xử lý RISC 8-bit SigmaK3. Ảnh: A.V. |
Theo Giám đốc Trung tâm ICDREC Nguyễn Thanh Nam, sự xuất hiện của chip vi xử lý SigmaK3 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam và đặt "viên gạch" đầu tiên cho ngành công nghệ vi mạch trong nước.
"Vì công nghệ vi mạch là bộ não, quyết định việc tăng cường khả năng hoạt động của tất cả các hệ thống điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, tự động hóa ... Sự thành công của công nghệ vi mạch là nền tảng cho sự thành công của toàn thể ngành công nghiệp điện tử", ông Nam phân tích.
Chip vi xử lý đầu tiên của Việt Nam là kết quả của đề tài "Thiết kế lõi IP và chế tạo thử nghiệm chip 8-bit RISC SigmaK3", thuộc chương trình ươm tạo công nghệ của Bộ Khoa học Công nghệ, do Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) của ĐH Quốc gia TP HCM triển khai. ICDREC được thành lập từ tháng 8/2005 với các nhiệm vụ chính: Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành thiết kế vi mạch. Thực hiện các dự án chuyển giao công nghệ và outsourcing về lĩnh vực vi mạch điện tử. Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vi mạch. Trung tâm hiện có hơn 20 chuyên viên thiết kế vi mạch. Mục tiêu của Trung tâm là nâng cấp trình độ thiết kế vi mạch số của Việt Nam lên công nghệ 0.13 um, để bắt kịp trình độ các nước tiên tiến trên thế giới. ICDREC sẽ triển khai nghiên cứu, thiết kế vi mạch analog và RF. Xây dựng bộ lõi IP hoàn chỉnh về vi xử lý và ngoại vi phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ. |
Vân Anh