Jeffrey Brown
Suốt một thời gian dài, câu chuyện về châu Phi hầu như chỉ do các nhà văn châu Âu độc quyền kể lại. Nhưng điều đó đã thay đổi kể từ những năm 1950, khi các quốc gia châu Phi lần lượt giành được độc lập và giới nhà văn lục địa đen bắt đầu viết nên những câu chuyện về chính mình.
Một cuốn sách đặc biệt - Things Fall Apart - xuất bản năm 1958, đã trở thành tác phẩm kinh điển của nền văn học thế giới, được dịch ra 50 ngôn ngữ, tiêu thụ được 11 triệu bản. Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh ở một ngôi làng, nay thuộc Nigeria, kể về cuộc chạm trán đầu tiên của người Ibo với các nhà truyền giáo châu Âu.
Chinua Achebe mới chỉ 28 tuổi khi ông viết tác phẩm đầu tay này. Kể từ đó, ông đã cho xuất bản hàng loạt tác phẩm khác, hầu hết đều đề cập đến một châu Phi hậu thực dân. Năm ngoái, ông vừa giành giải Man Booker.
Achebe bị liệt bán thân trong một vụ tai nạn xe hơi tại Nigeria năm 1990. Từ đó đến nay, ông chủ yếu sống và dạy học tại Bard College ở New York. Dưới đây là cuộc trò chuyện với ông.
Nhà văn Chinua Achebe. |
- Điều gì đã khiến ông quyết định viết "Things Fall Apart" 50 năm trước?
- Tôi biết mình phải làm điều gì đó.
- Chính xác là điều gì?
- Đó là sự băn khoăn về vị trí của tôi trong thế giới này, là câu chuyện của chính tôi, câu chuyện của đồng bào tôi. Tôi vốn cũng rất gần gũi và am hiểu chuyện của người khác.
- Bởi lớn lên ông đã sớm tiếp xúc với nền văn học Anh?
- Đúng thế, được giáo dục theo kiểu Anh, đôi khi tôi tưởng như quên chính mình. Hãy liên tưởng đến một cái giá sách. Bạn biết đấy, khi một cuốn sách bị lấy đi, nó sẽ để lại một chỗ trống. Bản thân mình, dân tộc mình chính là chỗ trống trên giá sách của tâm hồn tôi.
- Tại sao ông đặt "Things Fall Apart" vào thế kỷ 19, thời điểm chuyển giao giữa hai thời đại?
- Tôi muốn ghi lại thời khắc của sự thay đổi, trong đó một nền văn hóa có cơ hội va đụng và đối thoại với một nền văn hóa khác. Từ đó, cái mới sẽ nảy sinh.
Trang bìa cuốn sách. |
- Khi xảy ra sự xung đột giữa các nền văn minh, nó thường bắt đầu từ tôn giáo. Ông nghĩ sao?
- Đúng thế.
- Tôi thấy rất thú vị khi biết bố mẹ ông từng cải đạo sang Cơ đốc giáo.
- Vâng. Đúng như vậy. Tôi từng nghĩ, đạo Cơ đốc là một tôn giáo rất tốt, rất giá trị đối với chúng tôi. Nhưng một thời gian sau, tôi chợt nghĩ, câu chuyện mà tôi kể về tôn giáo này đã không được đầy đủ. Tôi đã quên mất điều gì đó. Dường như tôi chưa tìm hiểu kỹ những uẩn khúc đằng sau sự lựa chọn tín ngưỡng của người Ibo.
- Hơi ngớ ngẩn khi hỏi điều này, nhưng liệu ông có ngạc nhiên trước những gì xảy ra với cuốn sách. Theo ông, tại sao cuốn sách lại được nhiều người đọc đến vậy?
- Không, tôi không biết.
- Nhưng ông có thể giải thích chứ?
- Ồ, tôi chỉ có thể đoán. Một số độc giả nước ngoài nói lại với tôi rằng, họ tìm thấy từ cuốn sách những điều cộng hưởng với lịch sử, với dân tộc và với con người họ.
Một bằng chứng là bức thư tôi nhận được từ một trường nữ sinh ở Hàn Quốc. Nhiều năm sau khi tác phẩm ra đời, cả một lớp học ở trường này đã viết thư cho tôi, vì họ vừa được học Things Fall Apart. Họ viết: "Đó cũng chính là lịch sử của chúng tôi".
- Ngay cả người Hàn Quốc ư?
- Đúng, ngay cả người Hàn Quốc. Họ giải thích rằng, họ cũng từng bị Nhật Bản xâm chiếm và nỗi đau khổ nhục nhã đó là quá đủ.
Và có thể, cuốn sách đã đề cập đến những vấn đề mang tính toàn cầu mà từ câu chuyện của một người, một địa phương, người ta nhìn thấy cả nhân loại.
- Đã có một thời, châu Phi chỉ được kể dưới con mắt của các nhà văn châu Âu. Hiện nay, ông đã hài lòng với sự phát triển của đội ngũ các nhà văn bản địa chưa?
- Đây mới chỉ là sự khởi đầu thôi. Chúng tôi cần thêm nhiều thời gian nữa. Nhưng ngày càng có nhiều người nhập cuộc với văn chương.
Thực tế, sau khi Things Fall Apart xuất bản, dường như ở khắp nơi, người ta chờ đợi những câu chuyện về châu Phi được chính người Phi kể ra. Đó dường như là một dấu hiệu rất tốt.
H.T. dịch
(Nguồn: Newshour)