Thủ tướng Anh Keir Starmer cuối tuần qua đề xuất triển khai binh sĩ đến Ukraine theo hình thức lực lượng gìn giữ hòa bình, trong trường hợp các bên đạt được thỏa thuận kết thúc chiến sự tại Ukraine. Quyết định này lập tức gây xôn xao trên nghị trường Anh, với nghị sĩ các đảng lớn yêu cầu quốc hội phải có tiếng nói trong quyết định điều động quân đội sang nước khác.
Lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Ed Davey là người đầu tiên kêu gọi đưa ý tưởng của Thủ tướng ra bỏ phiếu trước quốc hội, mặc dù khẳng định 72 nghị sĩ của đảng sẽ ủng hộ phương án điều quân.
"Chúng tôi ủng hộ đề xuất của Thủ tướng, nhưng chúng tôi cũng luôn ủng hộ việc quốc hội có quyền lên tiếng về các quyết định điều động quân đội", Helen Maguire, phát ngôn viên đảng Dân chủ Tự do, nói. "Thủ tướng nên xác nhận rằng bất kỳ đề xuất điều quân nào cũng sẽ được trình trước quốc hội để chúng tôi có cơ hội công khai ủng hộ".
Nghị sĩ kỳ cựu của đảng Bảo thủ, John Whittingdale, tuyên bố rằng các nghị sĩ "mong muốn quốc hội thảo luận và bỏ phiếu" về đề xuất của Thủ tướng Starmer.

Thủ tướng Anh Keir Starmer tại Newquay, ngày 10/2. Ảnh: Reuters
Phát ngôn viên đảng Bảo thủ Mark Garnier dẫn lại trường hợp thủ tướng Tony Blair đã đưa kế hoạch triển khai quân đội đến Iraq vào năm 2003 ra trước quốc hội để bỏ phiếu nhằm tạo sự đồng thuận, dù người đứng đầu chính phủ Anh hoàn toàn có quyền điều động binh sĩ ra nước ngoài mà không cần tham khảo ý kiến nhánh lập pháp.
"Thủ tướng Starmen nên nhớ đến tiền lệ này và có hành động tương tự", Garnier nói.
John Cooper và Neil Shastri-Hurst, hai nghị sĩ khác của đảng Bảo thủ, cho biết họ tin rằng mọi thành viên quốc hội đều muốn có cơ hội tranh luận về vấn đề này. Nghị Cooper nhấn mạnh việc Thủ tướng cập nhật tình hình cho quốc hội là "việc tối quan trọng" để duy trì sự thống nhất trong vấn đề Ukraine.
Nhưng không phải chính trị gia nào ở Anh cũng ủng hộ ý tưởng của Thủ tướng Starmer. Nội bộ Công đảng của ông lại là bên hoài nghi nhiều nhất về khả năng quân nhân Anh đặt chân đến Ukraine.
"Nếu đàm phán dẫn đến một nền hòa bình bền vững, binh sĩ Anh sẽ không cần hiện diện ở Ukraine", nghị sĩ Diane Abbott của Công đảng nói. "Nếu đó không phải một nền hòa bền vững, việc điều quân sẽ đẩy Anh vào tình thế nguy hiểm và khiến binh sĩ gặp rủi ro. Quốc hội nên bỏ phiếu trước khi kế hoạch được thực thi".
Nghị sĩ Clive Lewis, cựu sĩ quan dự bị từng chiến đấu tại Afghanistan, kêu gọi Starmer thể hiện "sự mạnh mẽ và khôn ngoan", "khả năng lãnh đạo thực thụ" bằng cách tham vấn quốc hội trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào.
"Động thái này có thể đặt Anh vào tình thế đối đầu trực diện với Nga, một cường quốc hạt nhân, mà không có sự hỗ trợ từ Mỹ. Điều đó đòi hỏi chúng ta tranh luận sâu rộng hơn. Chúng ta cũng cần sự đồng thuận của công chúng và quốc hội là nơi đảm bảo truyền đạt ý nguyện của nhân dân", ông nói.

Lính lục quân Anh tham gia huấn luyện đổ bộ bằng đường không hồi tháng 1/2024. Ảnh: BQP Anh
Thủ tướng Starmer viết trong bài xã luận trên Telegraph ngày 16/2 rằng "Anh sẵn sàng đóng vai trò dẫn dắt thúc đẩy các bảo đảm an ninh cho Ukraine", trong đó có đề xuất điều động quân đội Anh tham gia gìn giữ hòa bình tại Ukraine.
Người phát ngôn của ông Starmer sau đó cho biết chính phủ Anh "sẽ không vội vàng" và "sẽ tham vấn quốc hội khi cần thiết" trước khi ra lệnh điều quân đến Ukraine.
Khi vận động tranh cử vị trí lãnh đạo Công đảng năm 2020, ông Starmer từng cam kết xây dựng quy định buộc chính phủ phải có được "đồng thuận từ quốc hội" trước khi triển khai bất kỳ hành động quân sự nào.
Tuy nhiên, vào năm ngoái, ông cho phép quân đội Anh phối hợp cùng Mỹ tham gia chiến dịch tập kích nhóm Houthi ở Yemen mà không thông qua quốc hội. Trong tuyên bố sau đó, ông nói chính phủ chỉ xin quốc hội bỏ phiếu thông qua nếu hành động quân sự là "triển khai binh lính".
Một nghị sĩ Công đảng bình luận với Politico rằng chính quyền Starmer cần "tiến hành kế hoạch thay vì mất thời gian tham vấn quốc hội".
"Ukraine không giống như Iraq. Tình hình thay đổi nhanh chóng, và chúng ta cần hành động nhanh chóng, bao gồm cả việc tăng cường chi tiêu quốc phòng", nghị sĩ này lập luận.
Thanh Danh (Theo Politico, Guardian, Sky, BBC, PA)