Trong ngày tuyên thệ nhậm chức nhà lập pháp tại quốc hội Indonesia tuần trước, nghị sĩ Achmad Fadil Muzakki Syah gây ra tiếng vang khi xuất hiện với ba người vợ.
"Tôi có ý định cho báo chí thấy một ví dụ về gia đình theo chế độ đa thê hài hòa, không cần phải giữ bí mật. Hôn nhân của tôi với 3 vợ là hợp pháp theo luật tôn giáo và nhà nước", ông Achmad, thành viên đảng Dân chủ, phát biểu.
Achmad lấy người vợ đầu 22 năm trước, sau đó nạp thêm vợ 2 vào năm 2007, vợ ba năm 2011. Hiện ông có 7 người con. Ông cũng không ngại chia sẻ bí mật phòng the của mình với truyền thông địa phương, rằng thường xuyên ngủ cùng 3 vợ chung một giường, ngay cả khi ở khách sạn.
Cũng theo ông, vợ đầu và vợ hai sống hoà thuận ở một nhà. Vợ 3 sống riêng nhưng thích dành cả ngày bên nhà chính với hai người vợ đầu.
Màn thể hiện táo bạo của ông Achmad bị các nhà hoạt động nữ quyền của nước này kịch liệt phản đối, gọi đây là "sự xấu hổ", "đáng kinh tởm" và việc này sẽ chỉ khuyến khích nhiều đàn ông ở Indonesia làm điều tương tự, gây bất lợi cho phụ nữ và trẻ em.
Học giả về Hồi giáo, bà Siti Musdah Mulia nói rằng chế độ đa thê được cho phép khi đạo Hồi mới ra đời, xã hội còn gia trưởng và thời đại con người còn thiếu hiểu biết. Nhưng với sự phát triển của Hồi giáo, không có lý do nào cho phép chế độ đa thê tồn tại vì tất cả các điều kiện cho sự công bằng trong hôn nhân đa thê rất khó thực hiện.
"Ngay cả khi anh ta (nghị sĩ Achmad) tin rằng đức tin của mình cho phép hôn nhân đa thê, anh ta nên có ý thức về đạo đức và cảm giác xấu hổ", bà Siti phê phán.
"Tôi không nhớ bất kỳ quan chức nào công khai diễu hành với nhiều vợ như thế. Cựu phó tổng thống Hamzah Haz có nhiều vợ, nhưng ông chỉ đưa vợ đầu tiên xuất hiện trước công chúng", bà Hera Diani, người sáng lập tạp chí nữ quyền Indonesia Magdalene.co phát biểu.
Theo bà, "chế độ đa thê là một hình thức bạo lực gia đình đối với vợ con".
Trong những năm gần đây, chế độ đa thê gia tăng ở Idonesia, bên cạnh sự gia tăng của các nhóm Hồi giáo bảo thủ và các ứng dụng hẹn hò cho những người đàn ông tìm kiếm vợ thứ hai. Các cuộc hội thảo dành cho nam nữ về cách quản lý chế độ đa thê ngày càng trở nên phổ biến.
Hôn nhân đa thê ở nước này gọi là Nikah siri, được luật tôn giáo cho phép, còn luật pháp công nhận chế độ một vợ một chồng, nhưng lại không rõ ràng về đa thê, chưa có chế tài nào xử lý người lấy nhiều vợ.
Bảo Nhiên (Theo Scmp, Liputan6)