Chính phủ vừa ban hành Nghị định 52, quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, thay thế cho các Nghị định 101/2012 và Nghị định 80/2016.
Theo đó, lần đầu tiên khái niệm tiền điện tử được chính thức đề cập trong Nghị định này, được xác định là "giá trị tiền đồng lưu trữ trên các phương tiện điện tử được cung ứng, trên cơ sở đối ứng với số tiền được khách hàng trả trước cho ngân hàng và trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử".
Hai phương tiện lưu trữ tiền điện tử, theo Nghị định 52, là ví điện tử và thẻ trả trước.
Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử (đơn vị trung gian thanh toán) phải duy trì tổng số dư trên tất cả tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử mở tại ngân hàng không thấp hơn tổng số dư tất cả ví điện tử đã phát hành cho khách hàng. Đồng thời, các tổ chức chỉ cho phép sử dụng dịch vụ đối với các ví điện tử có liên kết với tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của chính khách hàng.
Khái niệm ví điện tử và thẻ trả trước không được định nghĩa cụ thể trong Nghị định này. Còn theo các nghị định về thanh toán không tiền mặt trước đây, ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính.... Còn thẻ trả trước là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch trong phạm vi giá trị tiền được nạp vào tương ứng với số tiền đã trả trước cho tổ chức phát hành thẻ.
Tại Việt Nam, trong các văn bản pháp lý hiện hành, thuật ngữ "tiền điện tử" đã được đề cập tại Luật Phòng, chống rửa tiền nhưng chưa được giải thích tại một số văn bản dưới Luật. Xét về bản chất, theo Ngân hàng Nhà nước, tiền điện tử tại Việt Nam đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật được thể hiện dưới hình thức là ví điện tử, do ngân hàng và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng) và thẻ trả trước (do ngân hàng cung ứng).
Tuy nhiên, việc bổ sung quy định để làm rõ bản chất của tiền điện tử, theo Ngân hàng Nhà nước là cần thiết và đảm bảo thống nhất, nhằm loại trừ các thể loại tiền ảo, các công cụ sử dụng như phương tiện thanh toán mà không chịu sự quản lý của cơ quan quản lý... từ đó làm cơ sở pháp lý để Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành liên quan thực hiện có hiệu quả vai trò quản lý nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước cho biết Việt Nam có hơn 40 nhà cung cấp ví điện tử tham gia thị trường thanh toán cùng với các ngân hàng. Tính đến cuối năm ngoái, theo báo cáo của FiinGroup, có khoảng 36 triệu ví điện tử đang hoạt động.
Ngoài quy định về tiền điện tử neo theo đồng tiền pháp định, Việt Nam hiện chưa xây dựng khung pháp lý nhưng cũng không cấm tiền số, tài sản ảo. Phó thống đốc Đào Minh Tú từng khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo khác hoàn toàn không phải là tiền điện tử, không được thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh ở Việt Nam.
Quỳnh Trang