Ngành công nghiệp sản xuất kit xét nghiệm nhanh Covid-19 đang chạy đua để đáp ứng nhu cầu thị trường, khi hàng loạt nước dựa vào công cụ này để tái mở cửa giữa đại dịch. Tuy nhiên, ở nhiều nơi trên thế giới, người dân vẫn phải xếp hàng dài chờ mua những bộ kit có thể cho phép họ gặp lại người thân, đi học hay đi làm.
Phụ huynh Pháp phải chờ hàng giờ trước hiệu thuốc, các trang web đặt kit xét nghiệm của Anh liên tục bị nghẽn và chính quyền Brazil đã phải ra cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt bộ xét nghiệm tại nhà.
"Chính phủ các nước đột nhiên đồng loạt đặt mua những kit xét nghiệm này", Thomas Schinecker, giám đốc điều hành công ty Roche Diagnostics chuyên sản xuất dụng cụ xét nghiệm, cho biết. "Khác với đặt hàng một chiếc bánh pizza trong 30 phút, chúng tôi cần những dấu hiệu báo trước".
Anh đã cam kết tăng gấp ba lần quy mô chương trình xét nghiệm mở rộng của mình, trong khi Mỹ yêu cầu các công ty bảo hiểm hỗ trợ chi trả 8 lần xét nghiệm mỗi tháng cho người dân, đồng thời tài trợ miễn phí cho lần xét nghiệm đầu tiên.
Trước sóng Covid-19 thứ ba, Mỹ đang dựa vào xét nghiệm thường xuyên, trên diện rộng để giảm thiểu nguy cơ lây lan. Với đà lây nhiễm nhanh chóng của biến chủng Omicron, nhiều cơ quan y tế đã thay đổi hướng dẫn ứng phó Covid-19, trong đó không còn tập trung vào nỗ lực truy vết tiếp xúc và hướng tới giảm thời gian cách ly được khuyến nghị. Những chương trình như "xét nghiệm tại nhà" hay "xét nghiệm để qua cửa" đã trở thành chiến lược mặc định nhằm tránh đóng cửa doanh nghiệp và trường học, giải quyết tình trạng thiếu lao động, đồng thời cho phép nối lại cuộc sống bình thường.
Tại Singapore, nhu cầu kit xét nghiệm nhanh cũng tăng mạnh trong tuần qua, khiến nguồn cung trở nên khan hiếm. Giới chuyên gia nhận định người dân trở lại làm việc sau chuỗi ngày nghỉ Tết Nguyên đán phải xét nghiệm để đáp ứng yêu cầu của cơ quan, công sở có thể là nguyên nhân làm tăng đột biến nhu cầu mua bộ xét nghiệm.
Tại Hàn Quốc, chính phủ nước này đang cân nhắc nên cung cấp kit xét nghiệm nhanh miễn phí hay không và cấp cho ai, trong bối cảnh lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngày càng tăng do những thay đổi gần đây về chính sách ứng phó Covid-19.
Nhu cầu kit xét nghiệm nhanh tăng mạnh sau khi chính phủ hôm 3/2 thông báo ưu tiên xét nghiệm PCR ngay lập tức cho nhóm nguy cơ cao, trong đó có những người trên 60 tuổi.
Theo quy định mới nhằm đối phó với làn sóng lây nhiễm biến chủng Omicron, những người không thuộc nhóm nguy cơ phải có xét nghiệm nhanh dương tính trước mới được làm xét nghiệm PCR.
Hàng loạt hiệu thuốc và cửa hàng tiện lợi đã nhanh chóng hết hàng, trong khi giá kit xét nghiệm trên các trang mua sắm trực tuyến tăng vọt. Một bộ xét nghiệm nhanh do công ty SD BioSensor sản xuất được bán trực tiếp với giá 6,69 US vào ngày 29/1 ở Seoul, nhưng hiện có giá 23,33 USD trên nền tảng bán lẻ trực tuyến Coupang.
Tại Australia, Bộ Tài chính nước này quyết định giảm thuế cho cá nhân và doanh nghiệp khi mua các bộ kit xét nghiệm nhanh phục vụ mục đích công việc, nhằm tạo điều kiện mở cửa giữa đại dịch.
"Xét nghiệm là công cụ quan trọng được các doanh nghiệp sử dụng để bảo vệ lực lượng lao động của mình và đảm bảo tiếp tục hoạt động, duy trì chuỗi cung ứng", Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg nói. "Đại dịch đang biến đổi, nên cách phản ứng của chúng ta cũng phải thay đổi theo bằng những quyết định như vậy, nhằm giúp các gia đình, doanh nghiệp tiếp tục hoạt động".
Trong khi hầu hết các chuyên gia y tế ủng hộ sử dụng xét nghiệm nhanh để tránh làm gián đoạn cuộc sống xã hội, một số người vẫn lo ngại về độ chính xác của chúng.
Phó giáo sư David Anderson, phó giám đốc viện nghiên cứu y khoa Burnet ở thành phố Melbourne, Australia, cho rằng xét nghiệm nhanh là một công cụ sàng lọc hữu ích mang lại kết quả tức thì, nhưng cũng có những nhược điểm nhất định.
Theo ông, chúng giúp phát hiện khoảng 80% ca nhiễm ở những người có triệu chứng. "Điều này đồng nghĩa vẫn còn 20% bị sót", Anderson nói. "Nó dẫn tới cảm giác an toàn không có thực. Đây là điểm tiêu cực lớn nhất".
Ông giải thích các xét nghiệm nhanh chưa thể phát hiện Covid-19 trong một đến hai ngày sau khi nhiễm và kết quả âm tính không hoàn toàn đảm bảo rằng một người không bị nhiễm.
"Nhiều người nói rằng xét nghiệm nhanh cho thấy tôi không có Covid-19, tức là tôi không nhiễm. Thực tế không phải vậy. Nó chỉ mang ý nghĩa rằng bạn có ít khả năng nhiễm virus hơn người dương tính", Anderson cho hay.
Đại học Bệnh học Hoàng gia vùng Australasia (bao gồm Australia, New Zealand, đảo New Guinea và các quần đảo cận kề trên Thái Bình Dương), nơi từng cảnh báo về việc "sử dụng không kiểm soát các xét nghiệm kháng nguyên nhanh", gần đây đã thay đổi quan điểm của mình do số ca Covid-19 trong cộng đồng tăng cao.
Trong một thông báo hồi đầu tháng, họ cho biết xét nghiệm nhanh đóng vai trò hỗ trợ quan trọng đối với các xét nghiệm PCR trong giám sát và chẩn đoán Covid-19. Tuy nhiên, các chuyên gia từ đại học này cũng lưu ý rằng chúng "có những hạn chế cố hữu về độ nhạy" so với xét nghiệm PCR. Theo đó, tỷ lệ âm tính giả có thể lên tới 40% ở những người không triệu chứng.
Ashwin Swaminathan, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Quốc gia Australia, nhấn mạnh điều quan trọng là mọi người phải hiểu nguy cơ mắc Covid-19 trước khi sử dụng kit xét nghiệm nhanh.
"Họ cần nắm thông tin về việc tiếp xúc với người nhiễm virus, dù họ đã đến địa điểm có các trường hợp dương tính hay không, liệu họ đã được tiêm phòng chưa hay có bất kỳ triệu chứng nào không", ông nói. "Bạn sẽ giảm thiểu được tác động của kết quả âm tính giả hay dương tính giả nếu trả lời những câu hỏi đó".
Ví dụ, theo tiến sĩ Swaminathan, nếu một người có kết quả dương tính khi xét nghiệm nhanh nhưng đã tiêm vaccine đầy đủ, không có triệu chứng và chưa từng tiếp xúc với người mắc Covid-19, họ nên làm xét nghiệm PCR để khẳng định.
"Tương tự, nếu bạn cho rằng mình có nguy cơ cao mắc Covid-19 vì xuất hiện các triệu chứng hoặc đang sống chung với người nhiễm virus nhưng lại có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính, đây nhiều khả năng là âm tính giả. Bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm tra lại trong vòng 24-48 giờ hoặc làm xét nghiệm PCR", ông nói thêm.
Giáo sư Paul Griffin, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cũng cho rằng các xét nghiệm kháng nguyên nhanh rất hữu ích nhưng vẫn còn một số hạn chế.
"Chúng là một xét nghiệm sàng lọc thô khá tốt với độ đặc hiệu cao, nghĩa là nếu bạn nhận được kết quả dương tính thì hầu hết đều đúng", ông cho hay. "Nhưng độ nhạy tương đối kém đồng nghĩa nó có thể bỏ sót một số trường hợp".
"Nguy cơ lớn nhất với các xét nghiệm nhanh là khi bạn nhận được kết quả âm tính giả và cảm thấy yên tâm vì điều đó. Nếu bạn thực hiện bất kỳ hành vi nào khiến virus lây lan, điều này sẽ rất tồi tệ cho những người xung quanh", Griffin lưu ý.
Vũ Hoàng (Theo CNA, Time, Korea Herald, SMH)