Ngày 29 tháng 1 năm 2020, Jay Powell nhanh nhẹn bước lên bục, bắt đầu cuộc họp báo đầu tiên trong năm thứ ba với tư cách là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Ông mở tập hồ sơ màu trắng, ngước nhìn lên một chút để chào đón các phóng viên, rồi nhìn xuống đọc tuyên bố đã chuẩn bị sẵn của mình. Thái độ của ông trầm lặng, gần như ảm đạm.
Nhưng thông điệp của ông rất lạc quan: Nền kinh tế Mỹ đã bước sang năm thứ 11 của quá trình mở rộng kéo dài kỷ lục, tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp nhất trong nửa thế kỷ và những người làm công việc được trả lương thấp đang được tăng lương sau nhiều năm trì trệ. Sự căng thẳng thương mại từng làm chao đảo thị trường tài chính trong hai năm qua đã giảm bớt và tình hình tăng trưởng toàn cầu dường như đang ổn định.
Nhân tiện, ông lưu ý "những bất định" ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế, "bao gồm cả những bất định do virus corona mới gây ra". Câu hỏi tiếp theo về virus, từ phóng viên Donna Borak của CNN, chỉ đến tại phút thứ 21 trong buổi họp báo kéo dài 54 phút. Thời điểm đó, chỉ có vài ca nhiễm được báo cáo ở bên ngoài Trung Quốc. Powell thận trọng thừa nhận virus này là "vấn đề rất nghiêm trọng" có thể gây ra "một số gián đoạn đối với hoạt động ở Trung Quốc và khả năng là cả toàn cầu".
Năm tuần sau, ngày 3/3, Powell bước lên bục phát biểu đó, cũng với giọng điệu bình tĩnh, đọc tuyên bố đen tối hơn nhiều trước các phóng viên. Ông bày tỏ sự cảm thông với những người chịu ảnh hưởng của virus trên khắp thế giới, lưu ý rằng nó đã làm gián đoạn nền kinh tế của nhiều quốc gia và dự đoán rằng các biện pháp ngăn chặn virus "chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế ở cả trong và ngoài nước trong một thời gian". Ông cho biết Fed đã cắt giảm lãi suất "để giúp nền kinh tế vững mạnh trước những rủi ro mới". Ông cũng ám chỉ rằng còn nhiều rủi ro hơn nữa sẽ đến. Tình hình thế giới đã thay đổi đáng kể - và chính sách của Fed cũng thay đổi theo.
Từ ngày 29/1 đến ngày 3/3, virus đã phát triển từ vấn đề cục bộ thành cuộc khủng hoảng toàn cầu. Các ca nhiễm Covid-19 tăng từ dưới 10.000, hầu hết ở Trung Quốc, lên hơn 90.000 trên toàn thế giới. Nước Italy cách ly các thị trấn ở khu vực Lombardy còn Iran thì báo cáo về sự gia tăng các ca nhiễm. Tại Mỹ, ca tử vong đầu tiên do virus được báo cáo là ngày 29/2 - một người đàn ông ngũ tuần sống gần Seattle. Các trường hợp mắc bệnh và tử vong ở Mỹ tăng theo cấp số nhân từ đó, đe dọa nhấn chìm hệ thống chăm sóc sức khỏe ở thành phố New York và các điểm nóng khác.
Trong khi đó, nỗi sợ hãi về virus gây ra tuần tồi tệ nhất trên thị trường tài chính Mỹ từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, báo hiệu khó khăn sắp tới đối với nền kinh tế. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones, đạt mức cao kỷ lục hồi đầu tháng, giảm hơn 12% trong tuần kết thúc ngày 28/2. Tháng 3, tình trạng hỗn loạn lan sang thị trường trái phiếu. Những người bán trái phiếu kho bạc Mỹ (TPKB), loại chứng khoán cực kỳ an toàn, cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người mua - những người này tỏ ra ít quan tâm đến việc nắm giữ bất kỳ thứ gì ngoài tiền mặt. Thị trường tín dụng tư nhân, nơi các tập đoàn, người mua nhà, chính quyền tiểu bang và địa phương vay, có nguy cơ đóng băng hoàn toàn khi người cho vay và nhà đầu tư vật lộn với sự bất định do virus corona gây ra.
Trên thực tế, cơn hoảng loạn của thị trường đã báo trước một sự "chấn thương" kinh tế. Với việc các doanh nghiệp và trường học đóng cửa, dù tự nguyện hay bị bắt buộc do yêu cầu của chính quyền địa phương, hoạt động kinh tế bị thu hẹp lại ở mức chưa từng thấy. Tháng 2 năm 2020, sau thời gian dài phục hồi từ Đại Suy thoái, chỉ có 3,5% lực lượng lao động thất nghiệp. Hai tháng sau, vào tháng 4, tỉ lệ thất nghiệp chính thức ở mức 14,8%, mức tăng đáng kinh ngạc dù chưa tính đủ thiệt hại đối với thị trường lao động.
Hơn 20 triệu người mất việc trong tháng 4, cho đến nay là con số lớn nhất được ghi nhận từ khi chuỗi dữ liệu việc làm xuất phát từ năm 1939. Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) Xác định Niên đại Chu kỳ Kinh doanh của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, cơ quan có vai trò xác định các thời điểm nền kinh tế suy thoái và mở rộng, sau này đã xác định thời điểm bắt đầu cuộc suy thoái do đại dịch gây ra là vào tháng 2.
Từng giữ chức chủ tịch Fed trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, tôi có chút hiểu biết về sự căng thẳng mà Powell và đồng nghiệp tại Fed đang trải qua. Tuy nhiên, không giống như cuộc khủng hoảng chúng tôi phải đối mặt hàng chục năm trước đó - một cuộc khủng hoảng diễn ra trong gần hai năm - toàn bộ cuộc khủng hoảng này dường như ập đến cùng lúc. Dựa trên nguyên tắc rằng cần vượt qua khủng hoảng khi còn có thể, Fed dưới thời Powell nhanh chóng thực hiện một loạt hành động đáng chú ý để xoa dịu tình trạng hỗn loạn tài chính và bảo vệ nền kinh tế.