"Cần quy định rõ trong điều khoản thi hành những công việc cần triển khai; giao trách nhiệm cụ thể, tránh tình trạng ban hành xong Nghị quyết nhưng không thể vận hành do không rõ căn cứ", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nói khi báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, sáng 26/5.
Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, xây dựng cơ chế đặc thù cho TP HCM cần tránh nhiều về số lượng nhưng hạn chế về sức nặng, tính sáng tạo. Số lượng chính sách trong dự thảo trình Quốc hội khá rộng, với 7 nhóm cơ chế và hàng chục nội dung cụ thể. Dù vậy, cơ quan soạn thảo chưa làm rõ phạm vi chính sách rộng như vậy đã đủ tháo gỡ về thể chế, chính sách pháp luật đang cản trở tiến trình phát triển của TP HCM hay chưa.
"Đề nghị xây dựng dự thảo có trọng điểm, tránh dàn trải, đảm bảo khả thi và tránh rập khuôn như địa phương khác", ông Mạnh nói, nhấn mạnh chỉ đưa vào Nghị quyết những chính sách đã rõ về căn cứ thực tiễn, rõ về nội hàm, chú trọng chính sách thực sự đột phá, khai thác hiệu quả về tiềm năng, vị trí chiến lược của TP HCM.
Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để cân đối nguồn lực vì dự thảo đang tập trung nhiều vào chính sách chi ngân sách, trong khi chính sách thu (như thuế, phí), khai thác nguồn lực còn hẹp. Giám sát tối cao chuyên đề thực hành tiết kiệm chống lãng phí, cơ quan Quốc hội cũng nhận thấy TP HCM còn nhiều dự án chậm triển khai qua nhiều nhiệm kỳ, gây lãng phí nguồn lực đất đai. Do đó, ông Mạnh đề nghị thành phố rà soát, sửa đổi quy định, căn cứ pháp lý để khơi thông nguồn lực.
Điều 6 dự thảo phân cấp cho UBND TP HCM phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, có thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị không quy định nội dung này vì TP HCM có vai trò, vị trí đặc biệt, việc điều chỉnh quy hoạch cần được cân nhắc cẩn trọng.
Về nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, có ý kiến đề nghị thực hiện theo quy định pháp luật về đất đai thay vì sử dụng cơ chế riêng để bảo đảm tính thống nhất, tránh không công bằng. Trường hợp thật cần thiết, cơ quan soạn thảo quy định rõ yếu tố đặc thù, căn cứ đề xuất để trình Quốc hội, tránh quy định trùng lắp.
Chính phủ đề xuất cho phép TP HCM đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với dự án lĩnh vực thể thao, văn hóa; áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu. Có thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị không thực hiện PPP đối với các di tích, di sản văn hóa vì đây không phải là điểm nghẽn cần tháo gỡ để mang tính lan tỏa.
Đa số ý kiến nhất trí với đề xuất của Chính phủ, áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu. Tuy nhiên để bảo đảm chặt chẽ, cơ quan soạn thảo quy định chi tiết trách nhiệm lựa chọn những công trình thật sự phù hợp với tính chất BOT; nguyên tắc bảo đảm quyền và lợi ích, không tạo gánh nặng thuế, phí cho người dân, không làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa; tránh xảy ra khiếu kiện.
Năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 với nhiều cơ chế đặc thù cho TP HCM nhằm tạo động lực mới để đô thị 13 triệu dân bứt phá. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện, thành phố chưa nhận được kết quả như mong đợi do nhiều vướng mắc từ bộ ngành. Hầu hết chính sách đặc thù về quản lý tài chính nhằm tăng nguồn thu như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nguồn thu từ đấu giá tài sản công chưa thể thực hiện.
Sau khi Chính phủ trình dự thảo nghị quyết, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ, hội trường, trước khi bấm nút thông qua ngày 24/6.
Sơn Hà - Viết Tuân