"Hôm nay, Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã thông báo với quốc hội về kế hoạch tiến hành tái cấu trúc, bao gồm việc chuyển một số chức năng nhất định của USAID sang Bộ Ngoại giao từ ngày 1/7", Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày 28/3 ra tuyên bố cho biết.
Ông Rubio cho hay Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ "không thực hiện tiếp các chức năng còn lại của USAID vốn không phù hợp với ưu tiên của chính quyền". Điều này đồng nghĩa USAID sẽ chấm dứt sự tồn tại với tư cách là một cơ quan độc lập.
Jeremy Lewin, thành viên Ban Hiệu suất Chính phủ Mỹ (DOGE), cũng là quan chức cấp cao tại USAID, cho biết quyết định giải thể sẽ "nâng cao đáng kể hiệu quả, trách nhiệm giải trình, tính thống nhất và tác động chiến lược trong việc cung cấp các chương trình viện trợ nước ngoài, từ đó cho phép quốc gia và Tổng thống của chúng ta có chung tiếng nói trong vấn đề đối ngoại".
"Về cơ bản, tất cả vị trí không phù hợp quy định tại USAID sẽ bị cắt", ông Lewin nói về quá trình tái cơ cấu USAID, thêm rằng các nhân viên của cơ quan này sẽ bắt đầu nhận được thông báo cắt giảm từ ngày 28/3.

Tòa nhà USAID ở thủ đô Washington, Mỹ, ngày 1/2. Ảnh: Reuters
Ông Lewin cho biết trong ba tháng tới, USAID sẽ hợp tác chặt chẽ với Bộ Ngoại giao Mỹ để nâng cao năng lực, hướng tới việc quản lý các chương trình viện trợ còn lại của cơ quan này một cách có trách nhiệm.
Các chương trình của USAID được Bộ Ngoại giao Mỹ cho phép tiếp tục gồm "hỗ trợ nhân đạo, năng lực y tế toàn cầu, đầu tư chiến lược và các chương trình an ninh quốc gia trong phạm vi nhất định".
"Những chức năng khác có khả năng bị trùng với chức năng hiện tại của Bộ Ngoại giao sẽ bị loại bỏ trong quá trình tái cơ cấu", thông báo của USAID cho biết thêm.
Quyết định của chính quyền Trump về việc giải thể một cơ quan độc lập do quốc hội Mỹ thành lập mà không có sự tham vấn của nhánh lập pháp dự kiến gây ra nhiều thách thức pháp lý tại tòa án.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump cáo buộc USAID sử dụng tiền thuế của người Mỹ sai cách và tài trợ cho các chương trình nước ngoài không phục vụ lợi ích Mỹ. Các nhân viên USAID cùng chuyên gia viện trợ phản bác quan điểm của chính quyền, khẳng định cơ quan này vẫn thực hiện các nhu cầu nhân đạo quan trọng và góp phần củng cố quyền lực mềm của Mỹ.
USAID được thành lập năm 1961 theo Đạo luật Viện trợ nước ngoài được quốc hội Mỹ thông qua và có ngân sách thường niên gần 43 tỷ USD. Cơ quan này cung cấp hỗ trợ cho các nước có tầm quan trọng chiến lược, các quốc gia đối mặt nguy cơ xung đột, cũng như viện trợ xóa đói giảm nghèo, bệnh tật và đáp ứng các nhu cầu nhân đạo khác. USAID cũng giúp các nước đang phát triển tăng trưởng kinh tế và có đủ năng lực tham gia thương mại thế giới.
Ngọc Ánh (Theo CNN, AP)