Trong thông báo được gửi đi ngày 23/2, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đình chỉ công tác toàn bộ nhân sự trên toàn cầu của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) theo hình thức nghỉ có lương, ngoại trừ nhân sự chịu trách nhiệm về các chức năng quan trọng, lãnh đạo cốt cán và lãnh đạo các chương trình được chỉ định đặc biệt.
Ban đầu chính quyền Trump thông báo 2.000 nhân viên USAID sẽ bị sa thải nhưng sau đó sửa thành 1.600 người.
Chính quyền Trump vốn cho toàn bộ nhân viên USAID nghỉ có lương từ 2/2 trong nỗ lực cắt giảm nguồn tài trợ dự án và nhân sự, nhưng động thái này bị tòa liên bang chặn.
Cuối tuần qua, thẩm phán liên bang Carl J. Nichols thay đổi lập trường, "bật đèn xanh" cho chính quyền thực hiện động thái. Ông Nichols bác yêu cầu của nhân viên USAID về tiếp tục ra lệnh ngăn chính phủ tinh giản cơ quan này, cho rằng họ đã "phóng đại" tổn hại phải đối mặt khi nghỉ có lương. Theo phán quyết, họ phải nộp đơn khiếu nại lên ủy ban công chức liên bang.

Người biểu tình giơ tấm biển có dòng chữ "Cứu lấy USAID", trong cuộc biểu tình phản đối chính quyền Tổng thống Donald Trump ở thủ đô Washington ngày 17/2. Ảnh: AFP
Những cá nhân bị ảnh hưởng dự kiến bắt đầu nhận được thông báo cụ thể về quyền lợi của họ trong ngày 23/2. Những người tiếp tục làm việc cũng sẽ nhận được thông tin từ cơ quan.
"Hầu hết nhân viên vẫn có quyền truy cập vào hệ thống USAID và nên tiếp tục theo dõi email để được hướng dẫn thêm. Tuy nhiên, nhân viên đang trong diện đình chỉ công tác không được phép tiến hành công việc của cơ quan, tải xuống hay truy cập các tệp tài liệu chính thức của USAID nếu không có sự cho phép của ban lãnh đạo cơ quan", thông báo có đoạn cho hay.
Chính quyền sẽ bố trí chương trình hồi hương tự nguyện do chính phủ tài trợ cho nhân viên USAID đang làm việc ở nước ngoài, đồng thời lưu ý họ có thể tiếp cận các hệ thống của USAID và nguồn lực ngoại giao khác cho đến khi trở về Mỹ.
"Nếu hầu hết nhân viên USAID ở thủ đô Washington ngừng công tác từ tối nay, những người còn lại sẽ không đảm bảo được số lượng và chuyên môn để tiến hành các công việc của cơ quan", một nhân viên USAID cho hay.
Sau khi nhậm chức ngày 20/1, Tổng thống Trump ký sắc lệnh thành lập Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) nhằm thực hiện kế hoạch tinh giản, cải tổ bộ máy chính quyền liên bang. Ông Trump cho hay đã giao cho tỷ phú Elon Musk phụ trách cơ quan này.
Musk đã thực hiện các bước đi chưa từng có nhằm tinh giản USAID, triển khai chương trình sa thải hàng loạt công chức liên bang, nhắm đến các cơ quan khác như Bộ Giáo dục Mỹ, Sở Thuế vụ Mỹ, Lầu Năm Góc. Musk và các quan chức của ông Trump nhiều lần chỉ trích USAID bất tuân mệnh lệnh, không chấp hành chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống đề nghị đóng cửa cơ quan này.
USAID được thành lập theo đạo luật của quốc hội Mỹ vào năm 1961 và được phân bổ ngân sách gần 43 tỷ USD mỗi năm, tập trung vào hoạt động cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ phát triển trên toàn thế giới. USAID cung cấp viện trợ nhân đạo cho hơn 100 quốc gia như cứu trợ thiên tai, hỗ trợ y tế, sức khỏe và hỗ trợ thực phẩm khẩn cấp.
Huyền Lê (Theo Hill, Washington Post)