Văn phòng Quản lý Nhân sự chính phủ Mỹ ngày 13/2 yêu cầu các cơ quan chính quyền thúc đẩy việc chấm dứt hợp đồng với hầu hết nhân viên tập sự tại đơn vị mình. Theo thống kê của văn phòng này, hơn 200.000 người đang làm việc trong bộ máy chính phủ Mỹ theo hợp đồng tập sự.
Nhân viên tập sự, hay thử việc, là những người ký hợp đồng có thời hạn một đến hai năm trong các cơ quan chính phủ Mỹ, chưa được coi là viên chức chính thức và không được hưởng các quy chế bảo vệ việc làm đầy đủ, cũng như không có quyền khiếu nại khi bị sa thải.
Các nguồn tin trong chính phủ Mỹ cho hay những người làm về lĩnh vực an toàn công cộng và thực thi pháp luật sẽ không bị nằm trong diện cắt hợp đồng.
Chủ tịch Liên đoàn Nhân viên Chính phủ Mỹ Everett Kelley cho biết công đoàn này sẽ chống lại các vụ sa thải nhân viên tập sự, sẵn sàng theo đuổi mọi thách thức pháp lý có thể xảy ra. Ông cho rằng các nhân viên tập sự này không được đối xử công bằng và việc sa thải đồng loạt đã phủ nhận mọi đóng góp, thành tích của họ.
![Tòa nhà quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington ngày 13/2. Ảnh: AP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/14/AP25044716544497-5544-1739519760.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=54k4p2A4ugsH3FX9FmwBxg)
Tòa nhà quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington ngày 13/2. Ảnh: AP
Nhiều cơ quan chính phủ Mỹ đã bắt đầu sa thải nhân viên tập sự từ hôm 13/2. Theo Washington Post, hàng nghìn người đã nhận được tin chấm dứt hợp đồng tập sự qua tin nhắn và điện thoại. Một số người còn bị yêu cầu rời trụ sở trong vòng 30 phút.
Sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, tỷ phú Elon Musk trở thành lãnh đạo Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE), ủy ban phụ trách tinh giản chính phủ Mỹ. Ông Musk chế giễu bộ máy chính quyền quá cồng kềnh và lãng phí, đặt mục tiêu cắt giảm mạnh các nhân viên làm trong chính phủ.
Theo Văn phòng Quản lý Nhân sự chính phủ Mỹ, hơn 75.000 nhân viên đã đồng ý chủ động thôi việc để được hưởng chính sách hỗ trợ lương tới tháng 9, song chương trình này đã bị dừng.
Ngọc Ánh (Theo Washington Post, AP)