"Chúng tôi kêu gọi các nhóm dân tộc vũ trang, các nhóm phiến quân đang chống đối chính quyền hãy dừng xung đột và liên lạc với chúng tôi để giải quyết các vấn đề theo cách chính trị", chính quyền quân sự Myanmar ra tuyên bố ngày 26/9.
Chính quyền Myanmar kêu gọi các nhóm vũ trang nên thông qua con đường đảng phái và bầu cử để hướng tới hòa bình, phát triển lâu dài. Giới chức Myanmar chỉ ra cuộc xung đột với các nhóm nổi dậy đã gây tổn hại nguồn lực, cơ sở hạ tầng, tính mạng người dân cũng như đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước.
Padoh Saw Taw Nee, phát ngôn viên nhóm nổi dậy Liên minh Quốc gia Karen (KNU), cho biết các cuộc đàm phán chỉ có thể diễn ra nếu quân đội nhất trí với "các mục tiêu chính trị chung".
"Mục tiêu đầu tiên: quân đội không can dự các vấn đề chính trị sau này. Thứ hai, quân đội phải chấp nhận một bản hiến pháp dân chủ liên bang. Thứ ba, họ phải chịu trách nhiệm về những thứ họ đã gây ra, không có miễn trừ. Nếu họ không đồng ý, sẽ không có cuộc đàm phán nào, chúng tôi vẫn tiếp tục gây áp lực về mặt chính trị lẫn quân sự", phát ngôn viên Taw Nee nêu rõ.
KNU là nhóm vũ trang đã xung đột với quân đội Myanmar nhiều thập kỷ ở khu vực gần biên giới Thái Lan.
Xung đột giữa các nhóm nổi dậy và quân đội Myanmar bùng phát từ cuối năm ngoái, khi phiến quân tấn công quân chính phủ. Các nhóm nổi dậy nhiều lần đẩy lùi quân đội Myanmar và chiếm các thị trấn.
Chính quyền Myanmar được cho là đang đương đầu với nhiều thách thức nhất kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021. Nước này cũng đang vật lộn khắc phục hậu quả từ bão Yagi, khiến hơn 400 người chết và hàng trăm nghìn người cần hỗ trợ.
Ngọc Ánh (Theo AFP)