Nội dung được bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó chủ tịch UBND TP HCM nói tại phiên họp của Thường trực HĐND thành phố về đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn sáng 15/11, khi đề cập đến thu hút nguồn nhân lực.
Theo bà Thúy, một trong các khó khăn của công tác chuyển đổi số của TP HCM là nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong cơ quan nhà nước thuộc lĩnh vực này ngày càng hạn chế. Do đó, cán bộ chưa đảm bảo yêu cầu tham mưu, thực hiện công tác quản trị, điều hành các dự án chuyển đổi số.
"Hệ thống trường đào tạo nhân lực công nghệ thông tin trên địa bàn TP HCM lớn, nguồn nhân lực dồi dào nhưng nhu cầu doanh nghiệp cũng cao, sẵn sàng trả thu nhập hấp dẫn. Chúng ta rất khó cạnh tranh", bà Thúy nói.
Chủ đề năm 2024 của TP HCM là chuyển đổi số và thực hiện tốt Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù. Thành phố thực hiện chuyển đổi số theo các trụ cột gồm: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, an toàn thông tin và hạ tầng số.
Để thu hút nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, TP HCM ban hành hai nghị quyết thu hút chuyên gia, nhân tài trong một số lĩnh vực với nhiều chế độ vượt trội như: tiền lương được điều chỉnh linh hoạt theo khả năng đóng góp; hỗ trợ ban đầu lên đến 500 triệu đồng; tạo điều kiện về chỗ ở...
Phó chủ tịch UBND TP HCM cho rằng mặc dù thành phố có chính sách thu hút chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua Nghị quyết 25 và 27 nhưng thực tế chưa phát huy được nhiều, tác động chưa rõ nét nên khó thu hút được nhân lực như doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo thành phố, về tổng thể, nguồn nhân lực công nghệ thông tin cấp thành phố cơ bản hoàn thiện nhưng ở cấp quận, huyện, xã phường gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, các vị trí này trong mô tả công việc là kiêm nhiệm, tiền lương khởi điểm cho cán bộ, viên chức cũng theo quy định ngạch, bậc trong khi ở khối doanh nghiệp lương khởi điểm đã rất cao.
Cán bộ, viên chức công nghệ thông tin làm việc ở khối nhà nước, nếu không phải những vị trí đặc biệt theo quy định thì sẽ hưởng lương theo ngạch, bậc, thâm niên. Ví dụ một người tốt nghiệp đại học chuyên ngành IT, là chuyên viên công nghệ thông tin hạng 4 lương khởi điểm là 4-9,5 triệu đồng mỗi tháng.
Trường hợp chuyên viên công nghệ thông tin hạng I có bằng thạc sĩ, có thâm niên, chứng chỉ bồi dưỡng, nghiệp vụ theo quy định sẽ nhận mức lương tối đa gần 19 triệu đồng.
Trong khi đó, theo báo cáo thị trường IT Việt Nam 2024-2025 do TopDev (nền tảng tuyển dụng chuyên IT) phát hành, mức lương trung bình của lập trình viên tại Việt Nam vào năm 2024 ước tính dao động từ 1.100 đến 3.000 USD mỗi tháng (khoảng 27 đến hơn 73 triệu đồng), tùy thuộc vào kỹ năng và kinh nghiệm.
Đặc biệt, các vị trí chuyên sâu như kỹ sư AI và chuyên gia bảo mật thông tin có thể nhận được mức lương vượt xa số trung bình, do khan hiếm nhân lực, và tầm quan trọng của những vai trò này trong các doanh nghiệp.
TP HCM vẫn đóng vai trò quan trọng như một Trung tâm công nghệ tại Việt Nam, nơi có hơn 55% lập trình viên công nghệ thông tin đang làm việc tại đây, và 58% cơ hội tham gia thị trường lao động. Cùng với đó, mức lương mỗi tháng doanh nghiệp chi trả cho lao động cũng cao hơn các tỉnh, thành khác phổ biến nhất là 1.100-1.500 USD (chiếm 33,3%), tương đương 30-37 triệu đồng. Mức lương từ 600 USD đến 1.000 USD cũng chiếm 27,49%, tương đương 15-25 triệu đồng. Mức lương cao hơn (1.600 USD, tương đương 40 triệu đồng trở lên) có khoảng 32,1%.
Tại phiên giải trình, HĐND TP HCM cũng cho rằng nguồn nhân lực công nghệ thông tin là yếu tố then chốt giúp chuyển đổi số thành công nhưng hiện vẫn còn hạn chế. Do đó, cơ quan này đề nghị UBND thành phố tập trung tháo gỡ các rào cản, đề xuất chính sách phù hợp để thu hút nhằm bảo đảm chương trình chuyển đổi số đạt được mục tiêu đã đề ra.
Lê Tuyết