Nội bộ Hội đồng Điều hành đặc khu Hong Kong đang chia rẽ, khi một vài cố vấn có tiếng nói kêu gọi lãnh đạo dành thêm thời gian thảo luận dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, còn những người khác cho rằng chính quyền nên đẩy nhanh tiến độ thông qua dự luật.
Bernanrd Chan, cố vấn cấp cao của trưởng đặc khu Carrie Lam, cho rằng không thể gấp gáp thông qua dự luật. "Tôi nghĩ rằng việc thảo luận dự luật trong tình trạng đối đầu như hiện nay là không thể. Việc này rất khó khăn, chúng ta không nên để căng thẳng leo thang", Chan nói.
Ông khuyên chính quyền đánh giá lại tình hình khi bạo lực nổ ra giữa cảnh sát và thanh niên sau hai cuộc biểu tình rầm rộ thu hút hàng trăm nghìn người xuống đường. Chan thừa nhận đã đánh giá thấp phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp về dự thảo luật gây tranh cãi.
"Chuyện xảy ra hôm 12/6 thật đáng buồn và không phải điều chúng ta mong muốn", ông nói. "Chúng ta thực sự cần xem xét lại nên làm gì. Nhiệm vụ đầu tiên bây giờ là xoa dịu công chúng để tránh xảy ra thêm đụng độ trong tương lai".
Khi được hỏi liệu chính quyền có nên hoãn dự luật hay không, ông trả lời nó phụ thuộc vào khả năng dự luật được thông qua, bày tỏ không muốn thấy cơ quan lập pháp ngừng hoạt động và bị tê liệt bởi một dự luật.
Nghị sĩ Michael Tien trở thành thành viên đầu tiên của phe thân Bắc Kinh trong Hội đồng Lập pháp Hong Kong công khai lên tiếng kêu gọi hoãn dự luật. "Nếu mọi thứ đi theo chiều hướng sai, tôi e rằng chính quyền sẽ gặp nhiều khó khăn hơn để giành được niềm tin của bè bạn cũng như triển vọng điều hành của mình", ông Tien viết trên Facebook.
Cố vấn Ronny Tong Ka-wah không phản đối hoãn thời gian thông qua dự luật, kêu gọi đối thoại và tìm ra giải pháp chung, trong khi đồng nghiệp của ông, bà Regina Ip Lau Suk-yee, lại cho rằng chính quyền nên thúc đẩy dự luật.
Trước khi biểu tình leo thang hôm thứ tư, bà Carrie Lam khẳng định chính quyền sẽ không từ bỏ dự luật. Lam ching-choi, cố vấn Hội đồng kiêm Chủ tịch Ủy ban Người cao tuổi, cho rằng việc thông qua dự luật không phải là nhiệm vụ phải hoàn thành bằng mọi giá.
"Chính quyền sẽ xem xét mọi khả năng. Chính quyền sẽ giữ thái độ linh hoạt và cũng giống như những chính quyền khác, đều có máu có thịt, đều cảm nhận được phản ứng của dư luận", ông nói.
Một số thành viên cấp cao trong chính quyền Hong Kong như tiến sĩ Lam Ching-choi và Fanny Law Fan Chiu-fun lại thể hiện sự ủng hộ với việc lùi một bước nhưng không rút dự luật, muốn nó được thông qua trước thời gian nghỉ hè của Hội đồng Lập pháp.
"Trước làn sóng phản kháng dữ dội và phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng, nếu trưởng đặc khu quyết định dành thêm thời gian để thảo luận, tìm thêm các biện pháp đảm bảo công bằng cho các phiên tòa ở nước ngoài, tôi ủng hộ", Law nói. "Nhưng không nên hủy bỏ dự luật".
Trong lúc đó, 22 cựu quan chức và các nghị sĩ hàng đầu hôm nay đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp, đề nghị bà Carrie Lam rút lại dự luật gây tranh cãi. Họ cũng kêu gọi các cố vấn khuyên nhủ bà Lam.
"Đây là thế hệ tương lai mà chúng ta cần trân trọng, người có trái tim không thể nhẫn tâm nhìn họ bị đối xử như thế", trích lời kêu gọi. "Một xã hội bị chia rẽ sâu sắc, khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, đây có phải là điều cần hy sinh để thỏa mãn ý nguyện của trưởng đặc khu? Gấp gáp thông qua dự luật có lợi gì cho lợi ích chung của người dân?"
"Chúng tôi kêu gọi trưởng đặc khu lắng nghe ý kiến người dân và rút lại dự luật để cân nhắc kỹ hơn. Chúng tôi kêu gọi đội ngũ điều hành chính quyền, bao gồm tất cả quan chức và thành viên Hội đồng Điều hành Hong Kong hãy thực hiện nghĩa vụ khuyên nhủ bà ấy. Nếu họ khuyên mà bà ấy không nghe, chúng tôi kêu gọi họ hãy từ chức".
Dự luật dẫn độ sửa đổi cho phép Hong Kong dẫn độ các nghi phạm tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Trung Quốc đại lục, khiến nhiều người lo ngại rằng đặc khu này có nguy cơ chịu ảnh hưởng từ luật pháp của Trung Quốc đại lục và cư dân tại đặc khu có thể trở thành nạn nhân của một hệ thống pháp lý khác. Họ gọi đây là động thái thân Bắc Kinh, đồng thời bày tỏ nghi ngờ về tính công bằng và minh bạch của hệ thống tư pháp Trung Quốc đại lục.
Bạo lực nổ ra giữa người biểu tình và cảnh sát tại hai cuộc tuần hành phản đối dự luật dẫn độ tội phạm từ Hong Kong sang Trung Quốc đại lục hôm 9/6 và 12/6, buộc Hội đồng Lập pháp Hong Kong phải hoãn phiên họp thảo luận và trụ sở chính quyền đóng cửa hết tuần.Trưởng đặc khu Carria Lam gọi hai cuộc biểu tình là "bạo loạn có tổ chức", còn Bắc Kinh cáo buộc các thế lực nước ngoài đứng sau gây chia rẽ và làm tổn thương Trung Quốc.
Hồng Hạnh (Theo SCMP)